.

Dòng kênh đen giữa phố - Bài 2: Bao giờ hết đen và hôi?

.

Hằng năm, thành phố Đà Nẵng và các đơn vị chức năng tiêu tốn không ít kinh phí để nạo vét bùn, thu gom cỏ, bèo, phế thải… ở các tuyến kênh hở. Nhưng giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các tuyến kênh hở thật không đơn giản.   

Nước thải sinh hoạt chảy xuống kênh từ nhiều miệng cống đen ngòm ở 2 bờ kênh hở.
Nước thải sinh hoạt chảy xuống kênh từ nhiều miệng cống đen ngòm ở 2 bờ kênh hở.

Với tuyến kênh Thuận Phước (quận Hải Châu), giải pháp nạo vét bùn, thu gom cỏ, bèo, phế thải… không giúp cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, thành phố buộc phải đầu tư xây dựng tuyến cống hộp 3 cửa và trạm bơm chìm có công suất lớn vừa bơm thoát nước mưa ngập úng, vừa bơm lượng nước thải tập trung đưa về Trạm xử lý nước thải. Hay như tuyến kênh Yên Thế - Bắc Sơn (quận Cẩm Lệ), mặc dù được nạo vét, thu dọn rác rến, cỏ, bèo thường xuyên, nhưng vẫn bốc mùi hôi.

Vấn đề là nguồn gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục chảy xuống các dòng kênh, trong đó có một phần đáng kể là nước thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ… của người dân và các cơ sở (gọi chung là nước thải sinh hoạt) ở hai bên bờ cũng như khu vực lân cận. Thật ra, các miệng cống thoát nước bố trí nhiều ở hai bên bờ các tuyến kênh hở làm nhiệm vụ thoát mưa, chống ngập úng cho khu dân cư, khu đô thị. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp, các khu dân cư, khu đô thị này chỉ mới xây dựng một tuyến cống thoát nước dùng chung cho thoát nước thải sinh hoạt và thoát nước mưa, nên tất cả nước thải sinh hoạt đổ ra đều chảy xuống kênh. Khi trời nắng nóng, nước trong kênh cạn dần, tù đọng, phát sinh nhiều muỗi và mùi hôi thối.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, thừa nhận: “Các tuyến hở như tuyến kênh Phần Lăng 1 và 2 (quận Thanh Khê), kênh Đa Cô (quận Liên Chiểu), kênh Yên Thế - Bắc Sơn, kênh dẫn từ hồ Bàu Sấu (quận Liên Chiểu), đang phải nhận nước thải sinh hoạt và dẫn ra sông Phú Lộc vì chưa xây dựng được đường ống thu gom nước thải sinh hoạt ở ven bờ kênh dẫn về Trạm xử lý nước thải. Hiện khu vực hai bên bờ sông Phú Lộc đã thi công tuyến ống thu gom nước thải sinh hoạt đưa về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, thuộc Hợp phần B16 - Cải tạo môi trường sông Phú Lộc, Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, và công trình này đang chuẩn bị vận hành”. Ông Mai Mã cũng cho biết thêm: “Năm nay, thành phố chưa giao kinh phí cho công ty thực hiện các biện pháp nạo vét, làm vệ sinh, giảm thiểu mùi hôi ở các tuyến kênh hở.

Sắp đến, công ty sẽ đề nghị Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, đưa vào đánh giá tác động môi trường và đề xuất đầu tư xây dựng tuyến ống thu gom nước thải sinh hoạt dọc các tuyến kênh hở, dẫn về các trạm xử lý nước thải để xử lý. Trước mắt, trong mùa nắng nóng sắp tới, kiến nghị thành phố giao kinh phí để công ty phun các chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi thối tại các đoạn kênh hở gây ô nhiễm môi trường nặng, gây bức xúc cho người dân sống đôi bờ”.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực, đầu tư của thành phố và cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần vận động người dân không vứt rác bừa bãi, đồng thời thu gom cỏ, bèo, rác thải, khơi thông dòng chảy, để giảm thiểu muỗi gây bệnh và mùi hôi, mất vệ sinh môi trường.    
               

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.