.

Tiếp tục xử lý các điểm ô nhiễm

.

 

Trả lời phóng viên Báo Đà Nẵng về công tác xử lý ô nhiễm môi trường (ONMT) trong thời gian qua, ông Nguyễn Điểu (ảnh), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết: Trong năm 2011, thành phố đã tập trung xử lý các điểm “nóng” ONMT trên địa bàn và khống chế được 7 điểm ô nhiễm kéo dài.

* Cụ thể là những điểm nào, thưa ông?

- Đối với tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa, đã xây dựng và đưa vào hoạt động 3 cống thoát nước, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm ở khu vực này. Ngoài ra, các trạm bơm nước thải dọc tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa luôn được vận hành thường xuyên nên tình trạng nước thải chảy ra biển đã được khắc phục. Đối với khu vực Đảo Xanh, việc nạo vét bùn tại hồ, làm hệ thống thu gom nước thải từ các nhà hàng, cơ sở kinh doanh tại khu vực về Trạm xử lý nước thải (XLNT) Hòa Cường được tiến hành thường xuyên.

Các đơn vị chức năng thường xuyên dọn bèo, cỏ, rác khu vực hồ, làm bè nuôi trồng thủy sinh, duy trì cảnh quan môi trường hồ, phun chế phẩm sinh học khử mùi và duy trì vi sinh vùng đáy hồ… nên tình hình ONMT nơi đây cơ bản được khắc phục, không còn tình trạng phát sinh mùi hôi trong thời điểm nắng nóng như trước đây. Còn tại khu vực cửa sông Phú Lộc, áp dụng sinh học kỵ khí, do đó cửa xả Trạm XLNT phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến dân cư khu vực chung quanh. Hiện Sở TN-MT đã giao Công ty Thoát nước và xử lý nước thải tiến hành lắp đặt hệ thống ngăn mùi, dập bọt tại cửa xả, nên mùi hôi đã giảm.

Đối với khu vực Trạm XLNT Hòa Cường, trong năm 2011, Sở đã chỉ đạo thực hiện phun chế phẩm sinh học tại cửa xả, đồng thời tổng dọn vệ sinh tại hồ Đò Xu để giảm thiểu ô nhiễm. Nhìn chung, tình trạng ô nhiễm tại đây đã được giảm thiểu. Đối với bãi rác Khánh Sơn, đã có hệ thống xử lý nước rỉ bãi rác, chất lượng nước sau xử lý cơ bản đạt tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, bãi rác Khánh Sơn (cũ) vẫn chưa được đóng cửa nên còn nhiều vấn đề bất cập. Hiện Sở đã có báo cáo gửi UBND thành phố đề xuất chủ trương xã hội hóa việc quản lý khai thác theo hình thức hợp tác công – tư.

Riêng KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang và âu thuyền Thọ Quang, đã có 100% doanh nghiệp (DN) hoạt động tại KCN này thực hiện đấu nối nước thải đưa về trạm xử lý tập trung. Tuy nhiên, sau khi các DN thực hiện đấu nối đầy đủ thì lượng nước thải đã vượt công suất của trạm xử lý nên xảy ra quá tải, nước thải sau xử lý không đạt chuẩn  quy định và gây ô nhiễm môi trường. Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục kịp thời.

* Những KCN khác thì sao, thưa ông?

Đoàn viên thanh niên ra quân nạo vét bùn, rác tại kênh thoát nước từ Bầu Sấu ra sông Phú Lộc.
Đoàn viên thanh niên ra quân nạo vét bùn, rác tại kênh thoát nước từ Bầu Sấu ra sông Phú Lộc.

- Năm 2011, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát nước thải công nghiệp, bảo đảm 100% KCN, Cụm CN đều có hệ thống XLNT tập trung đạt chuẩn 70%.  Các DN hoạt động tại các KCN đều phải đấu nối nước thải về hệ thống XLNT tập trung.

Cụ thể, đối với KCN Hòa Khánh, hiện có 139 DN đăng ký đầu tư, trong đó 100 DN đã đi vào hoạt động và có 76 DN đã hoàn thành đấu nối nước thải, 10 DN chưa đấu nối do chưa có đường ống thu gom nước thải KCN và là các DN có quy mô nhỏ, nước thải có nồng độ ô nhiễm không cao. Đối với KCN Liên Chiểu, Trạm XLNT tập trung đã đi vào hoạt động.

Toàn KCN có 22 dự án đầu tư, trong đó 17 DN đã đi vào hoạt động, 15/17 DN đã đấu nối nước thải đưa về Trạm XLNT tập trung, 2 DN còn lại là Công ty CP Xi-măng Ngũ Hành Sơn và Xí nghiệp Công trình 875 đang hoàn thành việc đấu nối. Riêng KCN Hòa Cầm, trong năm 2011, Công ty CP đầu tư KCN Hòa Cầm đã khởi công thi công hệ thống thu gom nước thải. Đối với công trình hệ thống xử lý nước thải KCN mới đạt hơn 30% khối lượng công việc. Việc chậm trễ này một phần do trở ngại trong giải tỏa các hộ dân, mồ mả…

* Trong thời gian đến, thành phố sẽ tập trung xử lý vấn đề gì?

- Năm 2012, thành phố sẽ tiếp tục tập trung xử lý triệt để các điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường như: KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang, KCN Hòa Khánh mở rộng, khu vực sông Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang… Đồng thời triển khai quyết liệt và đồng bộ đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, phấn đấu đến năm 2015: 100% nước thải sinh hoạt, chất thải rắn của các quận nội thành, nước thải công nghiệp được thu gom và xử lý; 50% chất thải thu gom được tái chế; 50% người chết được hỏa táng; 90% dân số nội thành và 70% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch…

* Cảm ơn ông!
       
TRỌNG HÙNG (Thực hiện)

 

;
.
.
.
.
.