Thành phố Đà Nẵng không có khoáng sản quý hiếm, chỉ có 3 loại khoáng sản đáng kể là đá (dùng làm vật liệu xây dựng thông thường, không có đá quý, đáng kể nhất là các loại đá hoa cương ở Non Nước đã cấm khai thác), đất đồi (dùng làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, nền nhà) và cát, sỏi dùng trong xây dựng.
Một cơ sở đang khai thác đá tại mỏ đá Phước Tường. |
Về đá, hiện đã có 34 mỏ đá được cấp phép khai thác, hầu hết là mỏ nhỏ, lớn nhất là mỏ đá Phước Tường, trữ lượng khoảng 4,5 triệu m3 với diện tích 33,2ha. Hiện tại, việc cấp phép khai thác các mỏ đá theo quy trình như sau: đơn vị có chức năng khai thác sau khi phát hiện mỏ đá làm thủ tục xin cấp phép. Trong quá trình làm thủ tục, đơn vị xin cấp phép tự thuê cơ quan có chức năng thăm dò, đánh giá trữ lượng và đánh giá tác động của việc khai thác đối với môi trường (đối với mỏ lớn). Đối với các mỏ nhỏ, đơn vị khai thác chỉ cần cam kết về công tác bảo vệ môi trường là đủ. Tuy nhiên, nếu đã có khảo sát cụ thể, có bản đồ khoáng sản và quy hoạch thì việc khảo sát thăm dò của đơn vị khai thác không cần thiết, việc cấp phép khai thác cũng thuận tiện hơn, công tác quản lý Nhà nước về khoảng sản sẽ hiệu quả hơn.
Về đất đồi, điểm chung của các mỏ đất này đều là những đất đồi nghèo, khó khăn cho việc trồng cây lâm nghiệp và phát triển nông nghiệp, hầu hết là mỏ nhỏ, lớn nhất là mỏ đất đồi ở thôn Quan Nam, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang với trữ lượng được cấp phép khai thác gần 12 triệu m3 , diện tích 82ha và thời hạn khai thác 50 năm. Theo quy định, các mỏ đất này chỉ được cấp phép khai thác bằng với độ cao của mặt bằng đất xung quanh (không tạo thành hố sâu). Sau khi khai thác hết, đơn vị khai thác hoàn trả mặt bằng thì nơi đây có thể làm nền cho các khu dân cư, hoặc các khu công nghiệp để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển đất ra khỏi mỏ, do các đơn vị vận chuyển không làm tốt công tác bảo vệ môi trường, để đất rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường đang là bức xúc nhất hiện nay.
Nguồn cát xây dựng của thành phố chủ yếu khai thác ở phía thượng nguồn các sông Cu Đê, Túy Loan, Cầu Đỏ và Lỗ Đông. Việc khai thác thực chất là nạo vét lòng sông ở phía thượng nguồn. Hiện thành phố chỉ cấp phép cho 2 cơ sở. Do nhu cầu xây dựng ở thành phố rất cao, nên nguồn cát cung cấp chủ yếu vẫn do các cơ sở của tỉnh Quảng Nam cung cấp và nhiều cơ sở, cá nhân đã tổ chức khai thác cát trái phép trên các dòng sông, nhất là sông Túy Loan, gây sạt lở cho nhiều khu vực vào mùa mưa, đang là bức xúc của nhân dân. Ông Phan Minh Ngọc, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản và Khí tượng thủy văn Sở Tài nguyên và Môi trường, nói rằng để dẹp nạn khai thác cát trái phép này, phải có sự chung tay của chính quyền địa phương.
Trong những năm qua, việc khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập và để lại những hậu quả không tốt, nhất là làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường thành phố. Vì vậy, việc sớm có bản đồ khoáng sản và quy hoạch là việc làm cấp thiết hiện nay. Có bản đồ chi tiết (vị trí, trữ lượng, hàm lượng của các mỏ đá, đất đồi…) sẽ là cơ sở quan trọng để quy hoạch khai thác khoáng sản hợp lý (khu vực nào cấm khai thác, khu vực nào hạn chế khai thác và loại khoáng sản nào thuộc khu vực dự trữ quốc gia) vừa phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, vừa giữ được vẻ đẹp tự nhiên để phát triển du lịch theo định hướng của thành phố trong tương lai.
Bài và ảnh: ĐƯC THỊNH