Vừa qua, Trạm Xử lý nước thải (XLNT) Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang (thuộc địa bàn quận Sơn Trà) lại xảy ra sự cố môi trường. Người dân một lần nữa kêu cứu lên thành phố.
Đầu tư thêm hệ thống hút, xử lý mùi hôi bên trong hồ kỵ khí, nhưng hiệu quả thực tế của giải pháp này vẫn chưa rõ. |
Ông Trương Văn Ngò (tổ 34, phường Mân Thái) có nhà cách trạm XLNT khoảng 50m bức xúc: “Cuối năm 2011, ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng ngồi trước sân nhà tôi để “nghe” mùi hôi thối lan ra từ trạm XLNT, rồi ông chỉ đạo xử lý khiến mùi hôi giảm hẳn. Người dân rất vui mừng, nhưng mùi hôi thối lại nồng nặc mấy ngày qua. Phản ánh lên thành phố, các cơ quan chức năng về giải quyết, mùi hôi mới giảm được 2 ngày, nhưng vào đêm khuya thì vẫn nặng mùi”.
Từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng chỉ đạo công nhân tập trung giải quyết, ông Võ Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH KHCN-MT Quốc Việt, đơn vị chủ quản, đưa chúng tôi đến hồ kỵ khí và chỉ vị trí xảy ra sự cố môi trường. Ông Hùng cho hay: “Do gió to làm rơi một viên đá lớn lên tấm HPDE đậy miệng hồ kỵ khí (đậy để ngăn mùi hôi lan ra môi trường - PV), khiến tấm đậy bị rách, mùi hôi thối từ bên trong thoát ra. Công ty đã đầu tư 105 triệu đồng mua tấm HPDE mới đậy kín miệng hồ kỵ khí, đồng thời đầu tư thêm 30 triệu đồng thi công hệ thống hút và thiết bị hút, xử lý lượng lớn mùi hôi bên trong hồ kỵ khí. Khi hệ thống xử lý này đi vào hoạt động sẽ giảm mùi hôi đáng kể”.
Ông Hùng cho hay, mùi hôi thối từ hồ kỵ khí chủ yếu là khí H2S (có mùi trứng thối), còn mùi hôi ở hồ sục khí là mùi của men vi sinh. 2 loại mùi này dễ hòa tan trong không khí, với nồng độ nhẹ và chỉ tồn tại bên trong trạm XLNT, khó lan ra khu dân cư. Tuy nhiên, khi cùng chúng tôi “nghe” mùi thực tế ở khu dân cư Mân Thái 3, cách trạm XLNT khoảng 50m, ông Hùng lại giải thích: “Do đang giao mùa, tiết trời thay đổi nên vi sinh vật làm việc không ổn định, dẫn đến còn mùi hôi thối (H2S). Đêm khuya có mùi hôi thối nồng nặc do trời đẫm sương, đẩy khí H2S xuống là là mặt đất và cũng chậm hòa tan với không khí”.
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, việc nguồn nước thải vào trạm XLNT này đa chủng loại (nước thải từ rửa tôm, cá, mực…) và sắp tới vào mùa nắng, nguồn cá tôm về nhiều, các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản tăng công suất hoạt động, dẫn đến quá tải tiếp nhận nguồn nước thải. Công ty TNHH KHCN-MT Quốc Việt đang có kế hoạch xây dựng thêm một hồ kỵ khí, nâng công suất hoạt động của trạm XLNT lên 3.000m3/ngày đêm. Đồng thời, công ty đầu tư thêm hệ thống hút khí, xử lý mùi hôi tại hồ tiếp nhận nước thải và cho hoạt động tích cực 2 hệ thống hút khí, xử lý mùi hôi ở hồ kỵ khí, giảm thiểu đáng kể mùi hôi thối lan ra môi trường.
Song, thực tế còn chờ xem những giải pháp “thủ công” này có mang lại hiệu quả hay không. Năm 2011, Trạm XLNT Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang đã bị UBND thành phố xử phạt 150 triệu đồng do gây ô nhiễm môi trường. Lượng nước thải của các nhà máy, xí nghiệp hiện vượt công suất xử lý của trạm, cao điểm lên đến 3.500-4.000m3/ngày, đêm. UBND thành phố đã đồng ý cho Công ty CP Phát triển công nghệ và tư vấn đầu tư Đà Nẵng đầu tư xây dựng trạm XLNT mới có công suất cao hơn, công nghệ XLNT tốt hơn, đang hoàn chỉnh thiết kế, trình thành phố phê duyệt.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP