.

Xây dựng thành phố hàm lượng cacbon thấp

Ngày 15-3, Văn phòng đại diện TP. Đà Nẵng tại Nhật Bản phối hợp với Tổ chức phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) tổ chức Hội thảo “Chiến lược đô thị tiên tiến tại Đà Nẵng xét về khía cạnh thành phố hàm lượng cacbon thấp”. Hội thảo có sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, các Bộ, ngành liên quan cùng đại diện các sở, ban, ngành của thành phố.

Các tham luận trình bày tại hội thảo đều hướng tới các giải pháp xây dựng Đà Nẵng – thành phố hàm lượng cacbon thấp ở Việt Nam trong thời gian tới, những định hướng cho lộ trình cần thiết để đạt được mục tiêu này. Tại phiên thảo luận nhóm, các đại biểu đã tập trung trao đổi những giải pháp nhằm giải quyết vấn đề môi trường của Đà Nẵng; các vấn đề về tiết kiệm năng lượng; các phương pháp thực tế nhằm giảm lượng cacbon bằng cách sử dụng hiệu quả năng lượng nước…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết nhấn mạnh: Đà Nẵng là vùng đất ven biển - nơi chịu ảnh hướng rất lớn của biến đổi khí hậu và cũng không nằm ngoài những quy luật và ảnh hưởng chung. Vì vậy, trong khuôn khổ các dự án được tài trợ từ các tổ chức nước ngoài trên địa bàn Đà Nẵng, dự án “Mô hình thành phố hàm lượng cacbon thấp” của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là dự án nghiên cứu mô hình thành phố sử dụng công nghệ tiên tiến thân thiện môi trường, nhằm giảm thiểu hàm lượng khí thải nhà kính. Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của thành phố đã có sự hợp tác, phối hợp với Tổ chức phát triển đô thị châu Á (AUDEC) trong việc thu thập thông tin, số liệu và chuẩn bị các nội dung, thủ tục liên quan để đề nghị có sự tài trợ từ APEC cho việc nghiên cứu khả thi dự án mô hình thành phố hàm lượng cacbon thấp tại Đà Nẵng. Để dự án chuẩn bị hoàn chỉnh và được APEC chấp nhận vào tháng 9- 2012, Đà Nẵng rất cần sự hợp tác chặt chẽ cũng như các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan tại hội thảo này.

Theo ông Yasuyuki Okimori, Tổng thư ký tổ chức AUDEC, để dự án được xét duyệt, Đà Nẵng cần phải thực hiện được 4 vấn đề như: xử lý nước thải, rác thải, tình trạng giao thông và sử dụng năng lượng. Và nếu được xét duyệt, Đà Nẵng sẽ được APEC hỗ trợ khoảng 600 nghìn USD để triển khai mô hình “Thành phố hàm lượng cacbon thấp” với 4 đặc trưng cơ bản: Giải quyết tình trạng thiếu điện; chú trọng phát triển trung tâm du lịch thân thiện với môi trường và áp dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp; giảm thiểu lượng cacbon thải ra môi trường…

TRỌNG HÙNG

 

;
.
.
.
.
.