.

Xử lý đất bỏ hoang gây ô nhiễm: Không dễ!

.

Hàng ngàn lô đất bị bỏ hoang đã và đang trở thành điểm tập kết xà bần, rác thải..., ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường, thế nhưng việc xử lý vấp phải không ít khó khăn.

Quá nhiều đất bỏ hoang

Đoàn viên thanh niên quận Liên Chiểu ra quân dọn vệ sinh môi trường tại những khu đất bỏ hoang.
Đoàn viên thanh niên quận Liên Chiểu ra quân dọn vệ sinh môi trường tại những khu đất bỏ hoang.

Theo quan sát của chúng tôi trên địa bàn quận Liên Chiểu, hiện những lô đất trống chưa sử dụng còn rất nhiều, đặc biệt là các khu đất nằm dọc theo tuyến đường Nguyễn Tất Thành, đất ở các dự án khu dân cư mới. Đó là chưa kể các lô đất của các cá nhân mua để xây nhà ở nhưng để trống nhiều năm. Và những lô đất trống này đang trở thành những bãi cỏ mọc um tùm, bãi đổ rác thải, xà bần... và là cơ hội tốt cho muỗi sinh sôi. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần huy động lực lượng trên địa bàn ra quân dọn vệ sinh môi trường và ngăn chặn việc đổ xà bần trái phép nhưng chưa thấm vào đâu. Ông Nguyễn Xuân Hoài, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu cho biết: “Quy tắc đô thị là lực lượng chính để phát hiện, xử lý và ngăn chặn những người đổ xà bần, rác thải... trái phép ở các khu đất bỏ hoang. Tuy nhiên, lực lượng mỏng và công việc nhiều, nên việc xử lý triệt để tình trạng này gặp không ít khó khăn”.

Nhằm thực hiện chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng về việc xử lý các lô đất chưa sử dụng gây ô nhiễm môi trường, mới đây, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Phan Văn Tâm đã cùng lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn ra quân dọn vệ sinh môi trường tại những khu đất bỏ hoang. Ông Tâm cho biết, nhằm chung tay xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường”, trong năm 2012, quận Liên Chiểu sẽ huy động toàn bộ lực lượng đoàn viên thanh niên và kêu gọi các tầng lớp nhân dân đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường tại những lô đất bỏ hoang vào các ngày chủ nhật trong năm nay. Ông Phan Công Bằng, Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu cho hay: Nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, Quận Đoàn đã thành lập các Đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường biển, thường xuyên ra quân dọn vệ sinh môi trường tại những khu đất trống trên địa bàn. Các cơ sở Đoàn sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân sống trên địa bàn cùng tham gia tổng vệ sinh môi trường tại các khu dân cư, khu vực bãi biển, đặc biệt là những khu vực ô nhiễm môi trường kéo dài trong nhiều năm nay.

Khó quản lý đất bỏ hoang

Năm 2011, UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương về việc xử lý các lô đất chưa sử dụng. Theo đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ra thông báo đối với chủ các lô đất này yêu cầu dọn dẹp, bảo vệ lô đất của mình. Sau thời gian ra thông báo, nếu các chủ đất không thực hiện hoặc không phản hồi, Sở sẽ đứng ra tổ chức tổng vệ sinh các lô đất trống trên và kết hợp với các địa phương tạm thời sử dụng các lô đất này vào mục đích tạo nguồn kinh phí tùy thuộc vào nhu cầu của từng địa phương. Tuy đã có những chuyển biến nhất định, một số chủ đất đã dọn dẹp, rào lại khu đất của mình, xà bần, giá hạ được dọn đi..., thế nhưng đến thời điểm này đã có chiều hướng tái diễn tình trạng nhiều lô đất trở thành nơi đổ rác, phế thải, cỏ cây um tùm, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan đô thị. Chị Lê Thị Mỹ, trú tại phường Xuân Hà (Thanh Khê) cho biết: “Sau khi các ngành chức năng ra quân dọn vệ sinh những lô đất bỏ hoang gây ô nhiễm, người dân ở đây ai cũng mừng. Nhưng do không được dọn vệ sinh thường xuyên nên hiện cỏ đã mọc lại um tùm, trở thành nơi sinh trưởng cho các loài ruồi, muỗi”.

Theo thông tin từ UBND phường Xuân Hà, trong năm 2011, kinh phí chi ra xử lý môi trường đối với những lô đất bỏ hoang trên địa bàn phường đã ngốn mất gần 800 triệu đồng. Sau khi nhận bàn giao các lô đất đã được xử lý, UBND phường đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ nhằm tránh tình trạng ô nhiễm lập lại. Tuy nhiên, hiện cỏ mọc um tùm trở lại và không ít người dân vẫn lén lút đổ xà bần, rác rưởi ra đây. Hơn nữa, trong số hơn 150 lô đất bỏ hoang được giao cho phường quản lý, hiện có rất ít chủ đất nộp lại kinh phí cho việc thu dọn vệ sinh. Mặt khác, chủ trương thuê lại đất chưa sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh nhằm hạn chế tình trạng mất vệ sinh cũng không thực hiện được do không biết chủ đất ở đâu hoặc chủ đất không có nhu cầu cho thuê…

Thiết nghĩ, song song với việc dọn vệ sinh, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử phạt mạnh tay đối với những trường hợp vi phạm.

Bài và ảnh:TRỌNG HÙNG
 

;
.
.
.
.
.