(ĐNĐT) - Cơ quan quản lý, vận hành Trạm xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang cho biết tình trạng ô nhiễm ở đây là do trạm xử lý nước thải bị quá tải khiến hồ nuôi men vi sinh bị chết và gây ô nhiễm.
Tình trạng ô nhiễm ở Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang là do trạm xử lý nước thải quá tải |
Mặc dù các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã vào cuộc xử lý, bơm chế phẩm sinh học khử mùi, song trong ngày 18-4, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà vẫn tiếp diễn.
Nhiều người dân sống ở phường Nại Hiên Đông cho biết, so với mấy ngày trước, mùi hôi thối có giảm, nhưng không khí nơi đây vẫn còn hăng hắc, khó chịu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để xử lý tình trạng ô nhiễm tại đây, trong năm 2009, UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý giao cho Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Quốc Việt (thành phố Hồ Chí Minh) xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung ở Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang với kinh phí 10 tỷ đồng theo hình thức BOO (đầu tư, kinh doanh, sở hữu).
Trạm xử lý này được xây dựng trên diện tích 7.000 m2 theo hai giai đoạn với tổng công suất xử lý 5.000 m3/ngày đêm. Đến nay, trạm đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động với công suất 2.500 m3/ngày đêm.
Thế nhưng, kể từ ngày khánh thành (tháng 7-2010) và đưa vào hoạt động đến nay, trạm xử lý nước thải này thường xuyên gây ô nhiễm môi trường và rất nhiều lần bị người dân kéo đến phản đối, thậm chí có người còn cắt dây điện, đập phá trạm xử lý nước thải.
Đầu tháng 4-2012, Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng tiếp nhận quản lý, vận hành trạm xử lý nước thải tập trung này từ Công ty Quốc Việt. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận được 10 ngày thì tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây lại tiếp diễn do bị xốc tải, vượt chỉ tiêu đầu vào 3,5 lần so với quy định, khiến người dân trong khu vực vô cùng bức xúc.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, đơn vị quản lý, vận hành Trạm xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, cho biết tình trạng ô nhiễm mấy ngày qua là do trạm xử lý nước thải bị quá tải khiến hồ nuôi men vi sinh bị chết và gây ô nhiễm. Trước đây, 14 công ty trong Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang chỉ thải trung bình 1.000 COD mỗi ngày, nhưng nay, do có nhiều doanh nghiệp chế biến chả cá hoạt động, nên chỉ số này đã lên đến 3.500 COB (vượt gấp 3,5 lần), dẫn đến xốc tải, vượt chỉ tiêu đầu vào của trạm xử lý nước thải. Thêm vào đó, nếu nói về công suất hoạt động thì trạm xử lý này cũng quá tải gấp 1,5 lần so với thực tế.
Trước mắt, để xử lý tình trạng ô nhiễm mùi hôi tại đây, công ty đã cho bơm chế phẩm sinh học để khử mùi và cải tạo hồ điều hòa giảm mùi hôi, đồng thời nuôi lại men vi sinh xử lý mùi hôi, tuy nhiên phải mất ít nhất 1 tháng men vi sinh mới hoạt động bình thường trở lại. Nhưng đây mới chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài phải mở rộng hồ chứa xử lý men vi sinh và tăng cường các máy sục khí tại hồ kỵ khí chứ như hiện nay là không đảm bảo.
Ông Mai Mã cũng nhìn nhận, do trạm xử lý nước thải tập trung đặt ở vị trí không phù hợp (gần khu dân cư) và quy trình xử lý có nhiều bất cập, nên không phát huy hiệu quả. Vì thế, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm là không thể. “Hiện Công ty thoát nước và xử lý nước thải kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng một trạm xử lý nước thải mới có công suất 10.000 m3/ngày đêm để giải quyết tình trạng ô nhiễm về lâu dài cho khu vực này. Tuy nhiên, chưa biết phương án này có được phê duyệt hay không”, ông Mã cho hay.
Để tìm hiểu các giải pháp lâu dài nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Âu thuyền Thọ Quang, chiều ngày 18-4, chúng tôi tìm đến Sở Tài nguyên-Môi trường, nhưng một cán bộ Văn phòng Sở cho biết lãnh đạo Sở này bận... họp.
Ngọc Đoan