Với chiều dài gần 80km, kéo dài từ phía Nam chân đèo Hải Vân, ôm lấy vịnh Đà Nẵng, vắt qua bán đảo Sơn Trà và nối dài đến giáp xã Điện Nam (Quảng Nam), biển Đà Nẵng là một trong những bãi biển đẹp của thế giới, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển. Trong thời gian qua, môi trường biển Đà Nẵng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, Đà Nẵng vẫn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường biển. Để hạn chế tình trạng này trong mùa du lịch hè là vấn đề được nhiều cấp, ngành quan tâm.
Du khách lấy cát biển Đà Nẵng làm kỷ niệm. |
Bờ biển Đà Nẵng có nhiều bãi biển đẹp như: Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước…, trong đó có nhiều bãi tắm đã được du khách quốc tế biết đến là nơi nghỉ dưỡng, tắm biển lý tưởng. Vào mùa du lịch, từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm, các bãi biển Đà Nẵng đón từ 5 - 7 nghìn người mỗi ngày, đặc biệt vào những ngày lễ hội xấp xỉ 10.000 người. Với sự tập trung lớn du khách như vậy, biển Đà Nẵng hằng ngày phải chịu áp lực lớn của sự ô nhiễm. Mặc dù không còn những dòng nước thải trực tiếp đổ ra biển chưa qua xử lý, nhưng với 3 con sông: Hàn, Phú Lộc, Cu Đê và khoảng trên 20 cống lớn trải dài suốt tuyến biển, cùng lúc đổ nước ra biển, cộng với rác thải từ khách du lịch, người đi tắm biển, nước từ âu thuyền cảng cá Thọ Quang thì khả năng môi trường biển bị ô nhiễm rất dễ xảy ra.
Du lịch và môi trường là 2 bộ phận không thể tách rời nhau, môi trường có tốt thì du lịch mới phát triển bền vững. Khi phát triển du lịch thì bản thân ngành Du lịch cũng đã ý thức được vấn đề môi trường. Vì vậy, để khai thác tiềm năng của biển theo những mục tiêu chiến lược biển Việt Nam, Đà Nẵng phải bảo vệ biển. Điều đáng ghi nhận là công tác quản lý môi trường biển của thành phố trong thời gian qua được triển khai toàn diện trên nhiều mặt, từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn, quy định về bảo đảm trật tự an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình... Lãnh đạo thành phố chỉ đạo kiểm tra thường xuyên chất lượng môi trường biển, quản lý ô nhiễm công nghiệp, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường... Đồng thời tổ chức nhiều phong trào huy động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường biển như Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp, chương trình thí điểm về phân loại rác thải tại nguồn, phân cấp quản lý hồ đầm, lắp đặt các thùng rác tại các bãi biển và dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng; xây dựng nhiều công trình vệ sinh công cộng ở các bãi biển, dẹp nạn buôn bán hàng rong, nhân viên của Công ty Môi trường đô thị túc trực từ sáng đến chiều tối để thu gom rác thải từ khách đi biển... Chính vì vậy, mà du khách từ các nơi đến cứ mãi trầm trồ khen ngợi “biển Đà Nẵng xanh quá, sạch quá và đẹp quá”.
Mùa du lịch biển đang cận kề. Bảo vệ môi trường biển là vấn đề cấp bách vì ảnh hưởng lâu dài, sâu sắc đến sự phát triển kinh tế biển, trong đó có du lịch biển. Để làm được điều này, ngoài sự ra tay quyết liệt của chính quyền, còn cần ý thức bảo vệ môi trường của người dân, chủ các nhà hàng khách sạn, khu du lịch ven biển là những người đang hưởng lợi trực tiếp từ biển.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN