Thành phố Đà Nẵng đang trên lộ trình phấn đấu đến năm 2020 trở thành “một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, hấp dẫn và đáng sống”. Với những nỗ lực bảo vệ môi trường của chính quyền và nhân dân thành phố, Đà Nẵng đã được ghi nhận bằng giải thưởng “Thành phố phát triển bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng vẫn liên tiếp xảy ra khiến nhiều cử tri bức xúc, lo lắng.
Lượng nước xả thải thực tế rất cao so với công suất của Trạm xử lý nước thải ở Thọ Quang nên dẫn tới tình trạng ô nhiễm thường xuyên xảy ra tại khu vực này. |
Những ai có dịp đi qua đường Nguyễn Tất Thành - một trong những cung đường ven biển đẹp nhất nước, cũng phải bịt mũi vì mùi xú uế bốc lên từ sông Phú Lộc. Sở dĩ dòng sông này bị ô nhiễm là vì ngay cửa sông Phú Lộc có một cống lớn xả ra dòng sông một lượng lớn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp. Chị T.N.H.N (tổ 24, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho hay: “Ngày nào cũng vậy, nước thải chưa qua xử lý từ miệng cống này cứ vô tư đổ xuống sông. Những ngày nắng, người dân chúng tôi luôn phải đóng cửa im ỉm, nếu không thì khó mà chịu nổi mùi xú uế bốc lên từ dòng sông”.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, Sơn Trà cũng là một trong những điểm nóng gây nhiều bức xúc cho người dân sống xung quanh. Vào khoảng giữa tháng 4-2012, vì không chịu đựng nổi mùi hôi thối, người dân sống xung quanh khu vực âu thuyền Thọ Quang đã bức xúc kéo tới Trạm xử lý nước thải của Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang để yêu cầu khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm. Một số hộ dân ở tổ 40 và 41, phường Nại Hiên Đông cho biết, mùi hôi nồng nặc xông thẳng vào nhà làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Dù mùa hè nóng nực nhưng người dân nơi đây phải đóng bít cửa lại. Nguyên nhân ô nhiễm là do hàng chục công ty chế biến thủy hải sản trong khu công nghiệp ở khu vực trên xả thải vượt mức cho phép đầu vào trạm xử lý nước thải, dẫn tới xốc tải, gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống sục khí của trạm xử lý nước thải lại hoạt động chưa hiệu quả.
Cử tri tại các tổ 34, 35, 36 phường Hòa Xuân, các tổ 16, 17 phường Hòa Thọ Đông (Cẩm Lệ) cũng bức xúc trước tình trạng ngập úng, ứ đọng gây ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư do hệ thống thoát nước chưa được khớp nối đồng bộ... Người dân các tổ 25 và 26, phường Khuê Trung bức xúc trước việc “phải hút thuốc lá bất đắc dĩ” do ô nhiễm không khí độc hại từ Nhà máy sản xuất thuốc lá của Công ty TNHH Imperial Vina Đà Nẵng nằm ngay trong khu dân cư. Đó là chưa kể tình trạng xe ben chở đất hoạt động rầm rộ trở lại vào cuối tháng 4 năm nay trên nhiều tuyến đường ở thành phố Đà Nẵng làm ô nhiễm môi trường trầm trọng. Một số người dân đã nhiều lần dùng chướng ngại vật chặn xe ben chở đất, đồng thời kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực trạng trên vẫn chưa được giải quyết thấu đáo... Cụ thể, vào ngày 16-4-2012, hàng chục hộ dân sống ở khu vực phía Nam cầu Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân đã dùng chướng ngại vật đặt dưới đường, đồng thời kéo nhau chặn các đoàn xe ben chở đất, yêu cầu doanh nghiệp tưới nước để hạn chế bụi bẩn. Đặc biệt, hôm 23-3-2012, hàng trăm người dân của thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) kéo đến trước trụ sở của Công ty cổ phần Thép Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Thép Dana - Ý (đóng tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) phản ứng và yêu cầu nhà máy dừng hoạt động, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường để không ảnh hưởng cuộc sống người dân chung quanh. Một số đoạn đường trên tuyến ĐT 602 đi qua địa bàn các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), tuyến đường Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu)… cũng bị ô nhiễm bụi nặng do xe ben chở đất gây ra.
Nhiều cử tri đã lo ngại trước tình trạng khai thác bừa bãi rừng đầu nguồn, khoáng sản, đặc biệt là khai thác vàng ở Hòa Bắc làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Mới đây nhất, vào những ngày đầu tháng 5, tại Rừng đặc dụng Nam Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu cũng đã xảy ra một vụ cháy lớn. Ông Hồ Hồng Thanh (tổ 8, Hòa Khánh Bắc) bức xúc: “Hiện nay tình trạng chặt phá rừng, khai thác khoáng sản đầu nguồn làm ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng. Do đó, Quốc hội nên xem xét giao cho Quân đội Nhân dân Việt Nam quản lý”.
Tại Hội thảo Lập kế hoạch và giám sát xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) cho rằng, thành phố Đà Nẵng hội đủ các điều kiện thuận lợi để xây dựng thành phố môi trường, tuy nhiên hiện nay quá trình hiện đại hóa, quy hoạch không gian cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chưa đồng bộ. Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng lộ trình và chiến lược phát triển thành phố môi trường, trước mắt Đà Nẵng cần tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nóng về môi trường hiện nay, đồng thời khớp nối đồng bộ hệ thống thoát nước tại các vùng quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ ở các khu dân cư trong mùa mưa đến.
Bài và ảnh: GIA HUY