.

Ô nhiễm môi trường tại KCN Hòa Khánh

.

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Hòa Liên (Hòa Vang) và phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) phải hứng chịu nước thải của các doanh nghiệp (DN) hoạt động tại KCN Hòa Khánh xả thẳng ra môi trường.

Mặc dù KCN Hòa Khánh, Trạm XLNT đã được đầu tư bài bản nhưng hiện mới có  77 doanh nghiệp thực hiện đấu nối XLNT.
Mặc dù KCN Hòa Khánh, Trạm XLNT đã được đầu tư bài bản nhưng hiện mới có 77 doanh nghiệp thực hiện đấu nối XLNT.

Theo phản ánh của các hộ dân sống xung quanh khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, kể từ khi xuất hiện nhiều nhà máy hoạt động trong KCN, người dân đã phải sống chung cùng dòng nước đen ngòm với bao thứ chất thải độc hại, vi sinh vật gây bệnh. Bác Tư, nhà ở cuối đường số 4 KCN Hòa Khánh cho biết: “Nước thải trong KCN Hòa Khánh được thải ra cuối đường số 4. Có sống ở đây mới biết nước thải của các nhà máy được xử lý như thế nào. Xử lý kiểu gì mà nước cứ đen ngòm. Không biết các ngành chức năng có biết không, chứ người dân tôi sống ở đây hết chịu nổi rồi. Bây giờ thời tiết đang vào mùa nóng, mùi hôi, tanh nồng cứ thế bốc lên và theo gió bay vào từng nhà dân”. Cũng theo phản ánh của người dân thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, hiện ruộng vườn ở đây đã bị bỏ hoang lâu năm, bởi họ chẳng biết trồng cây gì cho phù hợp vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Bác Mãi Thị Đẫm, 75 tuổi, ở tổ 2 thôn Trung Sơn, bức xúc: “Nhà tôi có 3 sào ruộng, nếu trước kia mỗi vụ cho năng suất gần 5 tạ thóc, bây giờ cả 3 sào lúa vừa thu hoạch cũng chỉ được vỏn vẹn hơn 1 tạ. Giá phân bón, công cán ngày một tăng… Mong sao Nhà nước sớm thu hồi đất và đền bù cho dân, để người dân chuyển đổi ngành nghề khác cho đỡ cực. “Ở khu vực trên kia bây giờ ruộng đất được lấp làm dự án hết, còn ở dưới này đất ruộng bị bỏ hoang. Vào mùa mưa, khu vực này sẽ ngập hết bởi nước không biết thoát đi đâu”, bác Đẫm lo lắng. Cùng hoàn cảnh như người dân thôn Trung Sơn, hàng trăm hộ dân ở tổ 21, phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) cũng chẳng làm ăn được gì khi nguồn nước ở ruộng đồng, ao hồ ngày càng đen sì và hôi thối. Chỉ tay về phía cánh đồng Bàu Giữa - Gia Tròn (phường Hòa Hiệp Nam), các xã viên của HTX Nông nghiệp 1, phường Hòa Hiệp Nam than thở: “Kể từ khi KCN Hòa Khánh có nhiều doanh nghiệp đến hoạt động, người dân nơi đây phải chấp nhận sống chung với nước bẩn, mùi hôi. Dân cũng đã kiến nghị nhiều lần, nhưng chẳng thấy thay đổi được gì”.

Theo quy định, tất cả các DN hoạt động trong KCN phải thực hiện việc xử lý nước thải (XLNT) bảo đảm theo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Nhưng không ít DN đã phớt lờ việc XLNT mà lén lút xả trộm ra môi trường. Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường đô thị Hà Nội tại miền Trung (URENCO) - đơn vị quản lý và vận hành Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh - cho biết: Trong  tổng số hơn 130 DN đang hoạt động tại KCN Hòa Khánh, hiện vẫn còn 67 đơn vị chưa ký hợp đồng đấu nối XLNT. Trong đó có 37 DN chưa đấu nối là do chưa có hệ thống thu gom, 6 DN bị phá sản và 24 DN với lý do khác. Cũng theo ông Hùng, kể từ khi tiếp quản Trạm XLNT KCN Hòa Khánh, mỗi năm công ty phải bù lỗ trên dưới 500 triệu đồng. Trong tổng số 77 đơn vị thực hiện đấu nối mới có 64 DN ký hợp đồng, 13 DN chưa chịu ký hợp đồng, nên URENCO đang XLNT “miễn phí” cho những DN này. Điều đáng nói là, trong số các DN hợp đồng, vẫn còn nhiều DN chưa chịu trả tiền XLNT với số tiền nợ đã lên đến gần 1 tỷ đồng. Hiện tại các DN không đấu nối vào hệ thống XLTN đang thu một khoản lợi nhuận riêng cho mình. Là đơn vị quản lý Trạm XLNT, nhưng công ty lại không đủ thẩm quyền để bắt buộc các DN thực hiện việc đấu nối vào trạm. “Để các DN thực hiện nghiêm túc việc XLNT, trước hết các KCN phải sớm hoàn thiện hệ thống thu gom; đồng thời các ngành chức năng của thành phố cần có chế tài xử phạt mạnh đối với DN không thực hiện việc đấu nối vào hệ thống XLNT mà lén lút xả trộm ra môi trường”, ông Hùng đề nghị.

Thực tế, tình trạng ô nhiễm tại các KCN hiện nay rất đáng báo động. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc tình trạng xả nước thải bẩn hiện nay của các DN.

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH

;
.
.
.
.
.