.

Thức đêm cùng người quét rác

.

Sau 12 giờ đêm, thành phố Đà Nẵng đang chìm vào giấc ngủ.  Xe cộ và bóng người trên phố thưa thớt dần nhưng trong cái vắng lặng của đêm khuya vẫn còn vang vọng một thanh âm quen thuộc. Đó là tiếng chổi tre của những người quét rác.

Khi thành phố chìm vào giấc ngủ, những người lao công vẫn cần mẫn làm việc.
Khi thành phố chìm vào giấc ngủ, những người lao công vẫn cần mẫn làm việc.

Trời về khuya, chạy xe dọc theo đường Cao Thắng, tôi gặp một chị công nhân môi trường mặc chiếc áo xanh sọc vàng phản quang,  đang chăm chú quét rác bên lề đường. Ánh đèn đường in bóng chị tròn trĩnh rồi lại chảy dài. Màn đêm tĩnh mịch bao quanh. Chỉ có tiếng chổi tre quét sồn soạt là âm thanh duy nhất mà tôi có thể lắng nghe được trên đường phố vắng tanh. Khi quét được một đống rác khá to, chị cầm chiếc ki nhựa hốt rác rồi đổ lên chiếc xe đẩy bên cạnh. Tôi đến gần và làm quen với chị - một phụ nữ có vẻ mặt khắc khổ.

Qua trò chuyện, tôi biết tên chị là Trần Thị Lợi, 50 tuổi, người gắn bó với công việc vệ sinh đường phố 16 năm. Chị Lợi kể cho tôi nghe quy trình công việc của mình như sau: Mỗi ca làm việc 8 tiếng, thông thường từ 5 giờ chiều hôm trước đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau. Khi quét dọn, thu gom rác xong, chị đẩy xe chở rác đến bãi tập kết để chờ ô-tô chuyên dụng đến lấy mang đi xử lý. Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ chiều, lo chuyện cơm nước cho gia đình xong, chị lại tất bật đi làm. Chị còn nhớ hồi cơn bão số 6 năm kia đổ bộ vào Đà Nẵng, nhà chị bị tốc hết mái, hàng trăm thứ ngổn ngang. Thế nhưng gác lại việc nhà, chị phải lo việc của công ty trước vì sau cơn bão, số lượng rác tăng lên đáng kể. Chị cho hay chưa năm nào chị được đón giao thừa ở nhà vì những ngày Tết hầu như phải làm việc qua đêm. “Có đêm đang quét rác, một nhóm thanh niên ở đâu từ phía sau chạy xe tạt ngang qua làm chị giật cả mình. Chúng vừa chạy vừa cười vang khiến chị sợ khiếp cả vía”, chị Lợi kể. Vất vả và đôi khi đối mặt với nguy hiểm nhưng đằng sau công việc là niềm vui vì góp phần đem lại cảnh quan sạch đẹp cho thành phố.

Chia tay chị, quẹo xe lại đường Đống Đa, tôi gặp một anh công nhân môi trường đang gắng đẩy xe rác lên lề đường đưa vào bãi tập kết rác. Xe rác quá nặng khiến anh gồng hết sức mình. Giúp anh đẩy xe rác lên lề đường, tôi có cơ hội được bắt chuyện với anh. Anh tên là Ngô Văn Chuôi, 41 tuổi, gắn bó với nghề quét rác cũng gần chục năm. Anh cho biết, mỗi ngày tiền lương trung bình của một công nhân môi trường được 100.000 đồng, trừ các khoản chi phí theo quy định của Nhà nước, mỗi tháng anh nhận hơn 2 triệu rưỡi. Bình thường, mỗi công nhân như anh phụ trách ba, bốn con đường, tùy theo độ dài của đường. Nhiều khi có một đoạn đường nhưng phải quét đi quét lại nhiều lần. Khi tôi thắc mắc, anh Chuôi cho biết: “Có những con đường quán xá nhiều, gần chợ hay khu dân cư đông đúc thì rác lúc nào cũng đầy các gốc cây và vung vãi khắp lề đường. Vừa quét xong, đi khỏi một đoạn đã thấy rác vứt ra, lúc đó phải quay lại quét chứ biết làm sao”. Hơn 10 năm làm việc, với nắng mưa và bụi đường khiến da dẻ anh trở nên đen sạm. Anh Chuôi tâm sự: Làm nghề quét rác đôi khi chịu sự khinh miệt của người đời nhưng anh không hề mặc cảm. Công việc đem đến cho anh niềm hạnh phúc và sự nhẹ nhõm. Có người thông cảm, thấu hiểu thì họ không vứt rác bừa bãi, nhưng cũng có người tiện đâu vứt rác đấy, không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Nhiều người thấy xe rác ngay đó nhưng vẫn vứt rác ra đường. Có lần anh nhắc nhở, họ nói: “Quét rác thì phải dọn rác chứ kêu ca gì”. Những người không có ý thức, anh cũng không nói gì thêm, chỉ lặng lẽ nhặt rác bỏ vào xe. Nói chuyện với tôi được một lúc, anh vội đẩy xe rác khác ra hướng chợ Đống Đa để tiếp tục công việc. Gần 1 giờ sáng rồi, mọi nhà đã chìm vào giấc ngủ nhưng anh Chuôi vẫn đang cần mẫn với công việc.

Tôi tự hỏi: Nếu một đêm vắng bóng những công nhân áo xanh sọc vàng trên đường, ngày mai thành phố Đà Nẵng sẽ như thế nào? Chắc chắn cả thành phố hôm đó sẽ “ăn không ngon, ngủ không yên”. Vậy nên, trân trọng công việc vất vả của họ và luôn có ý thức trách nhiệm giữ vệ sinh chung là mỗi công dân Đà Nẵng đã và đang góp phần làm cho thành phố ngày càng thêm sạch, đẹp và văn minh hơn.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.