.
Chống ngập ở Liên Chiểu

Đừng để “nước đến chân mới nhảy”

.

Bài cuối: Những vấn đề cần quan tâm

Không chỉ 3 phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc của Liên Chiểu mà cả ở 2 phường Hòa An, Hòa Phát của Cẩm Lệ nước mưa đều thoát qua 2 con kênh xuyên qua đường Tôn Đức Thắng là kênh gần Bến xe trung tâm và kênh qua cầu Đa Cô. Trong đó, kênh gần bến xe đón nước từ phường Hòa An chảy ra hồ Trung Nghĩa xây dựng đã lâu, khẩu độ không lớn, đáy kênh chỉ 3m; kênh qua cầu Đa Cô đón nước từ các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam chảy ra hồ Hòa Phú đang xây dựng, đáy kênh 6 - 6,5m. Trên phạm vi rộng lớn hàng nghìn ha, khi mưa lớn thoát không kịp dẫn tới ngập úng là điều đương nhiên. Ông Ngô Tiến Dũng, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, cho biết trước đây nước mưa trên phạm vi rộng lớn của 4-5 phường thoát qua nhiều ngả, còn hiện nay chỉ qua 2 kênh xuyên qua đường Tôn Đức Thắng, lúc mưa to kéo dài, nước không thể nào thoát kịp. Nếu không có giải pháp căn cơ cho vấn đề này, việc ngập lũ ở Hòa Minh khó tránh khỏi.

Kênh từ Bàu Sấu đổ về sông Phú Lộc xây dựng chưa lâu đã hỏng một số chỗ.
Kênh từ Bàu Sấu đổ về sông Phú Lộc xây dựng chưa lâu đã hỏng một số chỗ.

Có thể thấy hệ thống thoát nước mưa ở Liên Chiểu bộc lộ nhiều hạn chế, đó là hồ điều tiết Hòa Phú diện tích không lớn, đón nước từ phạm vi rộng lớn của 2 phường Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc. Trong khi 2 tuyến kênh đổ vào hồ này khẩu độ khá lớn: kênh hở đáy 6,5m, kênh hộp 5m, thế nhưng chỉ có một kênh thoát ra, đáy cũng chỉ 6,5m. Đó là chưa nói, phía cuối kênh thoát này thi công từ trước có khẩu độ hẹp hơn. Kênh từ hồ Hòa Phú hợp lưu với kênh từ hồ Bàu Sấu chảy về sông Phú Lộc, phía hạ lưu của điểm tiếp giáp 2 tuyến kênh này khẩu độ chỉ bằng kênh từ Bàu Sấu xuống. Và như vậy, việc thoát lũ từ hồ Hòa Phú sẽ rất chậm. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc ngập úng trên diện rộng ở khu vực phường Hòa Khánh Nam các năm trước. Còn 2 tuyến kênh từ hồ Bàu Sấu, hồ Hòa Phú và từ hồ Trung Nghĩa đều hợp lưu đầu sông Phú Lộc, lưu lượng nước rất lớn, khi sông này mặc dù đã cải tạo, kè bờ nhưng chiều ngang không lớn lắm, chỉ khoảng 30m. Trong khi đó, gần biển, cao trình và độ dốc các kênh ở quận Liên Chiểu so mặt biển không lớn, dẫn đến khả năng thoát lũ chậm. Khi mưa lũ, triều cường dâng cao, việc thoát lũ càng khó khăn hơn. Bởi khi thời tiết bình thường, lúc triều dâng, nước trên sông Phú Lộc chỉ cách mặt cầu Phú Lộc gần 2m, khi biển động triều dâng cao, nước thủy triều ngấp nghé mặt cầu, lấy đâu lối cho nước lũ từ đất liền thoát ra. Không những vậy, hiện tại vùng cửa sông đang bị bồi lấp khá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thoát lũ.

Mặt khác, kênh hở chảy qua các khu dân cư đông đúc, khi nước dâng cao, không còn nhận ra đâu là đường, đâu là kênh rất nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Năm 2011, đã có 2 trường hợp thiệt mạng do lũ, điều chưa bao giờ xảy ra ở Liên Chiểu trước đó. Về vấn đề này, ông Ngô Đình Sơn, Phó phòng Giám định và quản lý chất lượng (Sở Giao thông Vận tải) - cán bộ theo dõi việc thi công hệ thống thoát nước mưa Liên Chiểu - cho biết: Dọc sông Phú Lộc đã hoàn thành việc xây dựng lan can và đang đề xuất triển khai tiếp tại một số khu vực trọng điểm của các tuyến kênh trên địa bàn. Ông cũng cho biết thêm, dự án này sử dụng vốn của WB nên khâu tư vấn thiết kế do Tập đoàn CDM Internation Inc và tư vấn giám sát do Công ty Black & Veatch đều của Hoa Kỳ thực hiện.

Nếu kể cả các hạng mục đầu tư từ nhiều năm trước, đến nay, hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn 3 phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Đầu tư lớn, song không tính hết khả năng thoát lũ, ngập lũ chắc chắn vẫn sẽ xảy ra. Đã đến lúc các ngành chức năng cần tính đến việc thiết kế xây dựng thêm ở Liên Chiểu một tuyến kênh thoát lũ thẳng ra biển, ngoài sông Phú Lộc. Tại điểm hợp lưu 2 dòng kênh từ hồ Hòa Phú và hồ Bàu Sấu, xẻ thẳng ra biển là thích hợp nhất. Ngoài ra, việc khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh và sông Phú Lộc phải triển khai thường xuyên. Hiện khu vực đầu nguồn sông Phú Lộc và một số tuyến kênh bèo tây đang phủ đầy. Chất lượng công trình cũng không thể xem nhẹ. Một số tuyến kênh xây dựng cách đây chưa lâu đã hư hỏng, xuống cấp như kênh từ Bàu Sấu về sông Phú Lộc đoạn dưới gầm cầu qua đường Lý Thái Tông bị sạt lở nghiêm trọng, nếu không khắc phục kịp thời, nguy cơ hư hỏng đường đã thấy rõ…

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.