.

Ứng phó biến đổi khí hậu tại đô thị Việt Nam

Ngày 25-7, tại thành phố Đà Nẵng, Diễn đàn Đô thị Việt Nam tổ chức Hội nghị “Cộng đồng hành động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) tại đô thị Việt Nam”. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đến dự.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Diễn đàn Đô thị Việt Nam, nêu rõ: Sự phát triển của đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI đặt ra nhiều thách thức mang tính toàn cầu, trong đó có tác động của BĐKH và những thảm họa do BĐKH gây ra. Hệ thống đô thị Việt Nam chủ yếu tập trung dọc theo vùng ven biển và các vùng đồng bằng, hằng năm luôn đứng trước nguy cơ ngập lụt và nước biển dâng. Trong khi đó, các đô thị miền núi và trung du cũng chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng và hạn hán. Khu vực đô thị chiếm đến 70% GDP của cả nước ngày càng dễ bị tổn thương và thiệt hại nặng về kinh tế, môi trường và cơ sở hạ tầng do tác động của BĐKH. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Chương trình Mục tiêu quốc gia về Ứng phó với BĐKH; Chiến lược quốc gia về BĐKH. Việt Nam đã và đang tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên cả nước.

 Phát biểu chào mừng hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định, Đà Nẵng là vùng đất ven biển của Việt Nam - nơi chịu ảnh hưởng rất lớn từ BĐKH, nếu không có những giải pháp ngay từ bây giờ thì hậu quả sẽ nghiêm trọng đối với hoạt động phát triển đô thị và đời sống cộng đồng. Vì vậy, hội nghị là cơ hội quý báu để lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, các nhà quản lý, các chuyên gia đến từ các đô thị Việt Nam được chia sẻ và đặc biệt là học hỏi từ những tổ chức, chuyên gia quốc tế với nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực phát triển đô thị thích ứng với BĐKH; từ đó có các sáng kiến, giải pháp khả thi cao để triển khai hành động, giảm đến mức thấp nhất tác động của BĐKH gây ra đối với các đô thị.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận theo nhóm gồm 4 phiên: Tính dễ bị tổn thương bởi BĐKH ở khu vực đô thị, Quản lý tổng hợp các rủi ro lũ lụt ở khu vực đô thị, Điều phối trong tăng cường khả năng thích ứng cho khu vực đô thị và Lồng ghép vấn đề BĐKH vào quy hoạch phát triển đô thị. Kết quả từ các phiên sẽ hình thành các chương trình tiếp theo của cộng đồng hành động ứng phó BĐKH.

Thành phố Đà Nẵng có các tham luận về “Kế hoạch ứng phó  với BĐKH và nước biển dâng thành phố Đà Nẵng” của Sở Tài nguyên và Môi trường, “Mô hình thủy lực đánh giá ngập lụt đô thị” của Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, “Mô hình nhà ở chống bão” của Hội Liên hiệp Phụ nữ và “Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng, một số vấn đề liên quan đến ứng phó BĐKH” của Sở Xây dựng.

PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.