.

“Bức tử” nguồn nước

.

Theo quy luật tự nhiên từ bao đời, các dòng sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chảy về thành phố Đà Nẵng như Thu Bồn, Vu Gia... vào mùa hè nước rất trong, đến độ có thể nhìn thấy những đàn cá bơi lội dưới lòng sông. Thế nhưng hơn mười năm nay, quy luật đó đã bị đảo lộn, bởi những dòng sông đã bị chính con người “bức tử” không thương tiếc. Người nông dân sống dọc bên các con sông này từ lâu đã không dám sử dụng nước sông cho sản xuất và sinh hoạt, thế nhưng đây lại là nguồn nước chính cung cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ của thành phố Đà Nẵng (!?).

Mực nước dòng sông Vu Gia, tỉnh Quảng Nam dẫn về thành phố Đà Nẵng xuống thấp, đỏ ngầu cả trong mùa nắng, khiến nông dân trên bãi bồi không dám dùng nước sông tưới cây.
Mực nước dòng sông Vu Gia, tỉnh Quảng Nam dẫn về thành phố Đà Nẵng xuống thấp, đỏ ngầu cả trong mùa nắng, khiến nông dân trên bãi bồi không dám dùng nước sông tưới cây.

Bài 1:  “Bức tử” những dòng sông

Hệ lụy của việc “bức tử” các dòng sông là trong mùa nắng, mực nước xuống thấp hơn bình thường, tình trạng nhiễm mặn ở mức báo động, còn nước thì đục ngầu như nước mùa lũ...

Đoạn đục ngầu, đoạn nổi bọt bóng

Hình ảnh sông Thu Bồn, Vu Gia hiền hòa thơ mộng từ lâu đã đi vào thơ ca, nhạc, họa. Còn trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi, đây là những dòng sông đẹp với làn nước trong vắt vào mùa hè, dọc hai bên bờ sông là những thảm cỏ cây xanh mát trải dài bất tận. Vậy mà giữa tháng 7 vừa qua, khi thực hiện chuyến thực tế ngược dòng về thượng lưu, chúng tôi thật sự bị sốc trước sự thay đổi đến mức báo động như hiện nay. Từ bến đò ngang thôn Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam xuôi về vùng hạ lưu của sông Thu Bồn, những mảng xanh đã thưa đi rất nhiều, dải đất dài hai bên sông nhiều đoạn lở lói sắp sửa đổ ập xuống. Nhiều khúc sông cạn trơ cả đáy, để nhô lên cả những vệt cát dài, nước sông đỏ đục sủi bọt.

Ông Lê Bình sinh sống ở làng chài Tĩnh Yên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam buồn buồn chia sẻ: “Bây chừ nếu ghe không quen đi trên sông Thu Bồn sẽ bị mắc cạn ngay, vì dòng sông bị hàng trăm chiếc ghe hút cát sạn xới tung lên hết, chỗ thì sâu hút tạo nên những vòng xoáy rất nguy hiểm, chỗ cạn trơ cả đáy. Nhưng đáng sợ nhất là họ hút cát sạn ngay sát bờ, khiến nhiều đoạn sông bị sạt lở nghiêm trọng, người dân phải chuyển đi nơi khác sống cho an toàn. Cả con cá sống dưới sông cũng không chịu nổi, bỏ đi đâu hết, khiến nghề chài lưới của chúng tôi chết theo”. Quả thật, theo quan sát của chúng tôi dọc theo hai bờ sông Thu Bồn qua địa phận các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc..., dòng chảy bị thay đổi đến kỳ dị, nhiều đoạn sông “ăn” sát vào khu dân cư, chỗ khác thì lại “lùi” xa nhà dân thêm hàng cây số. Nước sông có đoạn đỏ đục, có đoạn lại nhờ nhợ xanh với nhiều bọt bóng.

Đáng báo động hơn là sông Vu Gia, phần hạ lưu có nhánh đổ vào sông Yên-sông Cầu Đỏ, nơi cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, dòng sông cạn kiệt đến mức báo động. Đoạn chảy qua địa bàn xã Đại Cường và Đại An của huyện Đại Lộc thì “co” lại chỉ còn tương đương một con suối nhỏ, nhưng nước lại đỏ ngầu một cách bất thường. Nhưng đó chỉ là “bản dạo đầu” của cảnh “bức tử” dòng sông, bởi từ Giao Thủy, nơi gặp nhau giữa sông Vu Gia và sông Thu Bồn, ngược lên vùng thượng lưu sông Vu Gia thuộc các huyện Đại Lộc, Nam Giang, có thể nói chúng tôi không còn nhận ra dòng sông vốn rất thơ mộng này. Rất nhiều đoạn bị xé toạc biến thành những hồ lớn, rải rác những lạch nước nhỏ đỏ ngầu và xen lẫn vào đó là vệt cát đá đào xới ngổn ngang. Do nước từ thượng nguồn bị “nhuộm đỏ” bởi các công trình thủy điện và đặc biệt là tình trạng khai thác vàng, phần hạ lưu sông Vu Gia chảy vào địa phận thành phố Đà Nẵng qua các nhánh sông Yên, sông Cầu Đỏ... cũng cùng chung số phận. Trong khi đó, trên sông Vĩnh Điện, một nhánh của sông Thu Bồn đổ vào thành phố Đà Nẵng, mặc dù màu đỏ đã giảm đi khá nhiều, nhưng mặt sông lúc nào cũng xuất hiện dày đặc những bọt bóng màu xanh rêu rất lạ thường.

Không dám sử dụng nước sông

Đó là điều khẳng định của hầu hết những người dân sống dọc bờ các con sông Thu Bồn, Vu Gia, Vĩnh Điện, Cầu Đỏ, Cẩm Lệ... khi trò chuyện với chúng tôi. Một nông dân đang sản xuất ở bãi bồi của sông Vu Gia tâm sự với tâm trạng khá lo âu: “Ngày xưa vào mùa hè, nước sông Vu Gia trong vắt, đến nỗi nhiều lúc đi làm về là vốc nước uống luôn, rứa mà chừ thì tắm cũng không dám, chứ đừng nói đến chuyện uống. Vùng đất thổ Ba Châu ni vốn nổi tiếng màu mỡ, mà bây chừ chỉ cần tưới nước từ sông Vu Gia là cây héo ngay. Hơn chục năm nay, người dân trồng hoa màu ở thổ Ba Châu phải sử dụng nước giếng đóng để tưới cho cây chứ không dùng nước sông nữa”. Còn ông Trần Văn Nam ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, cũng chia sẻ nỗi lo tương tự: “Hầu hết các nhánh sông đổ về sông Thu Bồn như sông Cái, sông Bung, sông Tranh... đều bị xới tung lên để khai thác vàng. Trên các con sông này ở đâu cũng khai thác vàng, khiến nước sủi đỏ. Ngày xưa tụi tôi còn ra sông tắm, chừ thì không ai dám vì tắm một lần ngứa cả tuần chưa hết”.

Đoạn sông từ Giao Thủy về đến Cầu Đỏ có chiều dài gần 30 cây số toàn một màu đỏ đục. Trò chuyện với chúng tôi ngay trên cánh đồng Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, rất nhiều nông dân khẳng định, dù cánh đồng nằm sát bên sông Cầu Đỏ nhưng họ đã không sử dụng nước sông Cầu Đỏ hơn 10 năm nay, vì cứ tưới nước sông hôm trước thì hôm sau cây rủ xuống và héo luôn, không cách gì cứu được. Ông Nguyễn Hữu Niệu ở đội 4 thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến tỏ ra rất băn khoăn về chất lượng nước sông: “Không hiểu thượng nguồn họ làm cái chi mà quanh năm nước đỏ đục, tưới cây thì cây chết, tắm thì ngứa. Năm nào lụt lớn tràn vô đồng Cẩm Nê, nếu trồng đậu phụng thì cứ y như rằng đến lúc trổ hoa thì đồng loạt cả đồng chết cháy hết. May mà thành phố đầu tư dẫn nguồn nước tưới từ đập An Trạch về đây, nếu không cánh đồng Cẩm Nê ni chắc phải bỏ hoang quá”.

Cạnh đó, ngay bên dòng sông Cầu Đỏ nước đỏ ngầu, xuôi về hạ lưu chưa đầy 500 mét là Nhà máy nước Cầu Đỏ sản xuất, cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng. Chúng tôi thực sự lo lắng: Liệu việc sử dụng nguồn nước lấy từ con sông này có bảo đảm an toàn hay không?

(Còn nữa)

Phóng sự của THANH SƠN - HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.