(ĐNĐT) - Đúng 51 năm sau ngày Mỹ rải chất phát quang và thuốc diệt cỏ xuống Việt Nam (10-8-1961), dự án xử lý môi trường nhiễm dioxin tại “điểm nóng” sân bay Đà Nẵng mới chính thức khởi động.
Xử lý đất nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Phú/ĐNĐT |
Nỗi ám ảnh 51 năm
Theo số liệu của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 33) của Bộ Quốc phòng, trong vòng 10 năm, từ tháng 8-1961 đến tháng 10-1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít hóa chất xuống miền Nam Việt Nam.
Trong số này, có 64% là chất độc màu da cam, 27% là chất màu trắng, 8,7% chất màu xanh và 0,6% chất màu tím. Tổng số lượng dioxin Việt Nam hứng chịu là vào khoảng 370kg. Tổng số diện tích đất đai bị ảnh hưởng hóa chất là 2,63 triệu ha. Có gần 5 triệu người Việt Nam sống trong 25.585 thôn ấp chịu ảnh hưởng độc chất màu da cam.
Ở Việt Nam, cùng với sân bay Phù Cát, sân bay Biên Hòa, sây bay Đà Nẵng được xác định là một “điểm nóng” về dioxin, bởi sân bay này là nơi quân đội Mỹ dùng để pha trộn và nạp hóa chất lên máy bay trong chiến tranh Việt Nam. Theo ước tính, lượng hóa chất được lưu trữ, vận chuyển tại sân bay Đà Nẵng lên đến trên 18 triệu lít, trong đó, chất da cam: 52.700 thùng (10.961.600 lít); chất trắng: 29.000 thùng (6.032.000 lít), chất xanh: 5.000 thùng (1.040.000 lít).
Theo công bố của một nhóm tác giả trên tạp chí khoa học Nature vào năm 2003, có thể nói, chiến dịch dùng hóa chất ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất thế giới.
Theo số liệu được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) tổ chức ngày 8-8, nồng độ dioxin tại sân bay Đà Nẵng là rất cao, từ 9.000 ppt đến 17.000 ppt (viết tắt của part per trillion - phần nghìn tỷ), trong khi nồng độ cho phép trong đất nông nghiệp Mỹ chỉ là 1.000 ppt.
Ông Jamey Watt của USAID cho biết, nồng độ dioxin cao nhất nằm ở khu vực trộn và nạp hóa chất lên máy bay, các khu vực khác nồng độ thấp hơn. “Cho dù nồng độ cao hay thấp, quan điểm của chúng tôi là xử lý sạch hết lượng bùn, đất ô nhiễm tại sân bay”, ông Watt nói.
Toàn bộ phần nhiễm dioxin sẽ được làm sạch
51 năm sau ngày Mỹ rải hóa chất xuống Việt Nam, dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng mới chính thức được thực hiện, sẽ khởi công vào sáng ngày 9-8-2012 tại Sân bay Đà Nẵng.
Ảnh: T.Đ.N |
Dự án do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ với tổng vốn 41 triệu USD, vốn đối ứng trong nước 35 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID là đối tác triển khai thực hiện. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.
USAID cho biết, dự án sẽ tiến hành trên tổng diện tích 191.400m2 ở khu vực sân bay Đà Nẵng, đào xúc khoảng 73.000m3 đất và bùn nhiễm dioxin. Toàn bộ số đất và bùn này sẽ được xử lý bằng công nghệ khử hấp nhiệt trong mố (IPTD) để xử lý dưới mức sạch cho phép. Lượng đất, bùn sau khi làm sạch sẽ được đưa trả lại vị trí cũ để khôi phục hoàn toàn môi trường nơi đây.
“Các biện pháp bảo đảm an toàn sẽ được triển khai để loại trừ bất kỳ tác động có hại nào đối với cộng đồng xung quanh. Các biện pháp bảo đảm an toàn sẽ bao gồm việc kiểm soát bụi, kiểm soát nước mưa chảy tràn bề mặt và kiểm soát hơi nước/hơi ẩm thoát ra. Bùn đất sẽ được giữ ẩm để giảm thiểu bụi và các công việc của dự án sẽ không được tiến hành khi có gió to, đồng thời chất lượng không khí sẽ được kiểm soát. Nước có tiếp xúc với bùn đất ô nhiễm sẽ được thu gom, giám sát, kiểm tra và nếu cần sẽ được xử lý trước khi ra khỏi địa điểm dự án”, đại diện USAID cho biết.
Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng), Trưởng ban quản lý dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng”, cho biết đây là dự án mà chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ mong muốn để xử lý triệt để chất độc tồn lưu do chiến tranh để lại trên đất nước Việt Nam.
“Dự án thể hiện mỗi quan hệ hợp tác quốc tế tốt đẹp giữa chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Việc xử lý thành công bùn, đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ trả lại 29ha đất sạch, làm mất đi nguy cơ gây ô nhiễm cho con người và môi trường xung quanh khu vực”, thiếu tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
Tiến độ dự án Tháng 9-2009: USAID và Văn phòng 33 ký bản ghi nhớ thiết lập khung hành động cho dự án sân bay Đà Nẵng. Tháng 10-2009 – tháng 4-2012: Đánh giá sân bay Đà Nẵng – ba đợt lấy mẫu, đánh giá các kỹ thuật xử lý, trên 55 cuộc hội thảo với các bên liên quan của Chính phủ Việt Nam. Tháng 6-2010: Hoàn thành đánh giá môi trường của USAID và trình Chính phủ Việt Nam xem xét – đề xuất công nghệ giải hấp nhiệt để xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng. Tháng 12-2010: USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam ký bản thực hiện dự án. Tháng 2-2011: Thủ tướng Chính phủ chấp nhận dự án. Tháng 5-2011: Bộ Quốc phòng và USAID ký thỏa thuận thực hiện dự án. Tháng 6 – tháng 9-2011: Bộ Quốc phòng tiến hành rà phá bom mìn tại sân bay Đà Nẵng. Tháng 5-2012: Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngày 8-8-2012: Hội thảo khoa học “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng”. Ngày 9-8-2012: Khởi công dự án. |
Thảo Đà Nam