.
Dự án mô hình thành phố hàm lượng cacbon thấp:

Đà Nẵng, thành phố xanh kiểu mẫu của APEC

.

(ĐNĐT) - Dự kiến, vào tháng 9-2012, Đà Nẵng sẽ được công bố là Thành phố hàm lượng cacbon thấp tại Hội nghị lãnh đạo kinh tế cấp cao của APEC diễn ra tại Nga.

images743745_Tp_moi_truongCay_Loc.jpg
Ở Đà Nẵng, tất cả các con đường đều sạch như nhau. Trong ảnh: Một góc đường Trần Hưng Đạo.  Ảnh: M.Đ.L

Tại kỳ họp các bộ trưởng năng lượng Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 9 tại Fukui, Nhật Bản vào ngày 19-6-2010 về chủ đề “Từ mô hình hàm lượng cacbon thấp đến an ninh năng lượng”, các bộ trưởng đã kết luận việc giới thiệu công nghệ hàm lượng cacbon thấp vào kế hoạch phát triển các thành phố để nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu và giảm thiểu việc sử dụng năng lượng tự nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc quản lý việc tiêu thụ năng lượng tại các vùng đô thị của APEC.

Sau đó, Bộ phận phụ trách năng lượng APEC được thành lập để tiến hành dự án mô hình thành phố hàm lượng cacbon thấp. Ngân sách thực hiện nghiên cứu khả thi của dự án này do APEC tài trợ 600.000 USD (tương đương 12 tỷ đồng).

Năm 2010, thành phố Thiên Tâ (Trung Quốc) được lựa chọn làm mô hình thành phố hàm lượng cacbon thấp đầu tiên, được dự thảo bởi Nhật Bản và Trung Quốc.  Năm 2011, dự án thành phố hàm lượng cacbon thấp của thành phố Koh Samui, Thái Lan được lựa chọn. 

Năm 2012, thành phố được lựa chọn sẽ được công bố vào tháng 9-2012 tại Hội nghị lãnh đạo kinh tế cấp cao của APEC diễn ra tại Nga, dự kiến lần này sẽ là thành phố Đà Nẵng (Việt Nam). Như vậy, Đà Nẵng sẽ là một trong những thành phố xanh kiểu mẫu của APEC.

Dự án “Mô hình thành phố hàm lượng cacbon thấp tại Đà Nẵng, Việt Nam” được UBND thành phố Đà Nẵng giao cho Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đại học Đà Nẵng thực hiện, do Ban tư vấn phát triển đô thị châu Á, Nhật Bản (AUDEC) tư vấn và thực hiện soạn thảo dự án. Đây là dự hoàn toàn phù hợp với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” đến năm 2020.

Tuy nhiên, theo Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản, quá trình chuẩn bị, hoàn thành hồ sơ trình lên APEC không hề đơn giản. Ở lần nộp hồ sơ đầu tiên, do thời gian chuẩn bị quá gấp rút nên tháng 1-2012 APEC công bố kết quả hồ sơ xin dự án của Đà Nẵng không được duyệt.

Từ những kinh nghiệm rút ra từ lần nộp hồ sơ đầu tiên, ngày 15-3-2012, được sự đồng ý của UBND thành phố Đà Nẵng, Ban thực hiện dự án đã tiến hành hội thảo “Cấu trúc đô thị tiên tiến xét về khía cạnh thành phố hàm lượng cacbon thấp tại Đà Nẵng” với sự tài trợ của Tổ chức phát triển Công nghệ công nghiệp và Năng lượng mới Nhật Bản (NEDO).

Hội thảo nhằm kêu gọi sự hỗ trợ hợp tác từ Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tại thành phố Đà Nẵng cũng như sự phối hợp với các tổ chức Nhật Bản để đề án được chuẩn bị hoàn chỉnh và được APEC chấp nhận vào lần nộp hồ sơ thứ hai của Đà Nẵng vào năm 2012.

Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản cho biết, tháng 6-2012, Ban thực hiện dự án đã thống nhất với bản thảo hồ sơ dự án lần 2 do AUDEC soạn thảo, bao gồm 4 dự án tiêu biểu: Hệ thống sử dụng xe đạp điện trong thành phố; hệ thống giao thông chính sử dụng phố BRT (hệ thống xe buýt chuyển tiếp nhanh) và tàu điện ngầm trong thành phố; tập trung năng lượng từ việc xử lý nước thải/bùn; hệ thống quản lý năng lượng tại các khách sạn. Hồ sơ dự án đã được Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương nộp lên (APEC) vào cuối tháng 6-2012.

Ngày 26-7-2012, Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng đã được APEC thông báo chính thức về việc thành phố Đà Nẵng là ứng cử viên đầu tiên được lựa chọn với số điểm cao nhất trong giai đoạn 3 của dự án. Và vào ngày 24-8-2012, đoàn Trung tâm nghiên cứu năng lượng châu Á – Thái Bình Dương (APERC) của APEC sẽ đến khảo sát thực tế môi trường thành phố cho dự án. Sau đợt khảo sát này, kết quả sẽ được công bố chính thức tại Hội nghị lãnh đạo kinh tế cấp cao của APEC vào tháng 9 tới đây tại Nga.

Đ.N

;
.
.
.
.
.