Các điểm ngập úng ở thành phố mỗi năm xuất hiện theo cấp số nhân. Nếu mấy năm trước con số đếm được mang tính cục bộ thì đến nay, địa điểm nguy cơ ngập và ngập sâu lên đến con số 80.
Tình trạng ngập úng trong mùa mưa năm 2011. |
Tại các kỳ họp HĐND thành phố trước đây và mới nhất tại kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa VIII vừa qua, vấn đề ngập úng và xử lý chống ngập lại là nội dung bức xúc của nhân dân. Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, mức độ ngập úng hiện rất nghiêm trọng bởi trên địa bàn thành phố có 91 điểm ngập úng. Quận Hải Châu 9 điểm, Thanh Khê 16, Sơn Trà 21, Ngũ Hành Sơn 9, Liên Chiểu 23, Cẩm Lệ 7 và Hòa Vang 6 điểm. Đến tháng 6-2012, các đơn vị chức năng đã xử lý được 11 điểm ngập úng. Việc xử lý ngập úng cần thời gian và kinh phí, riêng chỉ với 80 điểm đã và đang lập dự án xử lý cần có 313,61 tỷ đồng.
Theo ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải, các khu vực bị ngập là do có địa hình thấp trũng so với xung quanh, chưa có mương thoát nước hoặc các mương thoát nước chưa được đấu nối, đầu tư xây dựng chưa đồng bộ. Quận Liên Chiểu hiện có 23 điểm ngập, trong đó nặng nhất là khu vực tổ 8, 9, 10, 11 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam. Theo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải, nguyên nhân ngập là do sau khi các dự án Tân Cường Thành, Đại học Duy Tân... nâng cốt nền khiến khu vực trên lọt thỏm giữa vùng trũng, gây ngập úng nặng. Cũng tại quận Liên Chiểu, khu vực đường Tạ Quang Bửu, đợt mưa mới đây nước tràn đường 0,8m, tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Khu vực Khe Cạn, cống qua đường Tôn Đức Thắng (gần ngã ba Huế) theo nhận định có khả năng ngập nặng trong mùa mưa năm nay.
Việc xử lý ngập nước đang trong tình trạng “nói hoài, làm mãi”. Có nhiều nguyên nhân ngập úng nhưng trong đó vấn đề chính là do việc xây dựng đô thị đã chiếm hết các lưu vực chứa nước của thành phố. Đa số các khu đô thị xây dựng hiện nay đều hình thành trên vùng đất nông nghiệp và diện tích ao hồ. Khi san lấp hết diện tích này mà không tính toán tạo ra các hồ điều tiết thì ngập lụt là điều đương nhiên.
Thi công xử lý ngập úng tại khu vực Hà Thị Thân, quận Sơn Trà |
“Tại anh, tại ả” là câu chuyện dài trong xử lý ngập úng mà ai cũng có trách nhiệm. Trường hợp như khu vực ngập úng Thanh Vinh 2, Đa Phước 3 - 4 quận Liên Chiểu đã bố trí vốn đầu tư hạ tầng xử lý nước thải nhưng người dân nơi đây ào ạt xây dựng nhà ở, nhà trọ trái phép nên vướng giải tỏa, dự án chậm triển khai. Ở trung tâm thành phố, đường phố biến thành sông tại các tuyến Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi - Lê Đình Lý, bởi ngay họng thu nước mưa qua đường lại chình ình đường ống cấp nước sinh hoạt. Hạ tầng thoát nước tại tổ 13 - 14 phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà do người dân làm móng xây nhà lấn chiếm gây cản trở dòng chảy.
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn tại Công văn số 121/TB-UBND ngày 20-7-2012, việc xử lý ngập úng năm 2012 thực hiện theo cả hai phương án tạm thời và lâu dài. Trước mắt, sớm thành lập Tổ công tác phòng chống ngập úng ở các cấp thành phố và quận, huyện và hoạt động tích cực, chủ động.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG