.

Ô nhiễm ở KCN: Người dân hứng chịu

.

Mặc dù các ngành chức năng của thành phố đã có nhiều biện pháp cũng như chế tài xử phạt những việc vi phạm về môi trường, thế nhưng ô nhiễm môi trường (ONMT) ở các Khu công nghiệp (KCN) vẫn diễn ra hằng ngày, gây bức xúc cho nhân dân.

Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh đã được đầu tư bài bản, nhưng DN vẫn lén xả nước thải ra bên ngoài. Trong ảnh: Lấy mẫu nước tại trạm xử lý.
Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh đã được đầu tư bài bản, nhưng DN vẫn lén xả nước thải ra bên ngoài. Trong ảnh: Lấy mẫu nước tại trạm xử lý.

Ngạt thở vì khói bụi, khổ vì nguồn nước

Theo phản ánh của người dân ở thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), nhiều năm nay, người dân nơi đây phải sống chung với khói bụi và tiếng ồn phát ra từ các nhà máy sản xuất thép tại KCN Hòa Khánh. Bác Lê Văn Trí, nhà ở gần các nhà máy bức xúc cho biết: Vì không chịu nổi tiếng ồn cũng như khói bụi, người dân đã nhiều lần kéo đến tận nhà máy để phản ứng và yêu cầu họ khắc phục tình trạng này. Nhà máy có khắc phục, nhưng chỉ được thời gian ngắn, mọi thứ lại như cũ. “Thời tiết nắng nóng đã khó ngủ, thế mà nhiều hôm nhà máy cứ hoạt động ầm ầm cả đêm, chẳng ai ngủ được. Chúng tôi đã gửi kiến nghị đi nhiều cấp chính quyền nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nếu thành phố không có biện pháp, nên chăng di dời dân chúng tôi ra khỏi khu vực ô nhiễm này”, bác Trí mong muốn.

Nếu người dân thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 phải sống trong tiếng ồn và khói bụi, thì hàng ngàn người dân sống gần KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Cầm phải hứng chịu nước thải có mùi hôi thối của các doanh nghiệp (DN) xả thẳng ra môi trường. Chị Yến sống cạnh KCN Hòa Khánh cho biết: “Nguồn nước thải ra đen ngòm thì ai cũng nhìn thấy. Thế nhưng chẳng hiểu sao các ngành chức năng chẳng thấy xử lý. Cứ để thế này thì chỉ có người dân phải hứng chịu tất cả. Cũng vì không chịu nổi nguồn nước hôi thối, mới đây người dân ở tổ 7A, 7B, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) đã liên tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng về việc KCN Hòa Cầm xả nước thải gây ONMT. Đỉnh điểm bức xúc là từ ngày 26-7-2012, người dân phát hiện KCN xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nên đã kéo đến điểm thi công Trạm xử lý nước thải yêu cầu chấm dứt việc xả thải. Bác Ngô Văn Đây (tổ 7A, phường Hòa Thọ Tây) cho biết: “Lúc trước chưa có KCN, nguồn nước giếng ở đây trong vắt. Còn bây giờ nước giếng nhà nào nhà nấy đều có màu đỏ au hoặc nhờ nhợ. Nguyên nhân chắc do nguồn nước ô nhiễm từ KCN tràn ra ngấm vào lòng đất. Bây chừ người dân chỉ mong muốn thành phố sớm có biện pháp xử lý dứt điểm”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân tồn tại các dấu hiệu vi phạm về môi trường chủ yếu là do cơ chế hoạt động, quản lý Nhà nước của các KCN đang trong giai đoạn vừa thực hiện, vừa bổ sung hoàn thiện. Một số chức năng quản lý Nhà nước chồng chéo, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán. Do đó, hiệu quả triển khai công tác phối hợp còn thấp. Hơn nữa quá trình đấu tranh với các vi phạm pháp luật về môi trường không phải đơn giản, bởi vừa phải bảo đảm hài hòa giữa tính nghiêm minh của pháp luật với chính sách phát triển kinh tế của địa phương và quyền lợi của người dân. Trong khi đó, hiện nay chế tài xử lý các hành vi vi phạm còn hạn chế. Mức xử phạt hành chính còn thấp so với kinh phí bỏ ra để xử lý chất thải, dẫn đến hình thức xử phạt thiếu tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa. Hơn nữa, lực lượng Cảnh sát môi trường chưa có thẩm quyền ra quyết định áp dụng các hình phạt bổ sung như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, buộc di dời các DN vi phạm...

Thiết nghĩ trong thời gian tới, thành phố cần có những chính sách chặt chẽ hơn trong việc cấp phép xây dựng, hoạt động của KCN, các công ty hoạt động trong KCN; gắn việc cấp phép với yêu cầu hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, chất thải, có như vậy mới giải quyết được tình trạng bức xúc từ vấn đề ONMT tại các KCN gây ra. Nếu không tình trạng ONMT sẽ còn kéo dài và trách nhiệm không biết thuộc về ai. Còn người dân sống chung quanh KCN sẽ phải hứng chịu ô nhiễm.

Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Đà Nẵng (đơn vị quản lý Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh) cho biết: Trong tổng số hơn 130 DN đang hoạt động tại KCN Hòa Khánh, hiện vẫn còn gần 70 đơn vị chây ì, chưa ký hợp đồng đấu nối xử lý nước thải, lén lút xả thải ra môi trường khiến người dân bức xúc. Còn một số DN đã đấu nối nhưng không chịu trả tiền xử lý, có DN nợ đọng lên đến cả tỷ đồng...  Để các DN thực hiện nghiêm túc việc xử lý nước thải, trước hết các KCN phải sớm hoàn thiện hệ thống thu gom; đồng thời các ngành chức năng của thành phố cần có chế tài xử phạt mạnh hơn nữa đối với DN không thực hiện việc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải mà lén lút xả trộm ra môi trường.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.