* Sẽ thu hồi rừng đã giao nếu để xảy ra cháy
Trước tình trạng rừng liên tiếp xảy ra cháy, sáng 14-8, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo các vấn đề cấp bách về bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) thành phố Phùng Tấn Viết đã chủ trì Hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách về bảo vệ và PCCCR với lãnh đạo các địa phương có rừng và các ngành liên quan.
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền các địa phương có rừng và các đơn vị liên quan tiến hành 158 đợt truy quét chống chặt phá rừng, phá hủy 27 lán trại của lâm tặc, hàng trăm bẫy săn bắt động vật hoang dã, tịch thu nhiều trang thiết bị dùng khai thác vàng và khai thác lâm sản, đẩy đuổi 12 đối tượng xâm nhập rừng trái phép ra khỏi rừng. Kiểm tra, kiểm soát lâm sản phát hiện 92 vụ vi phạm, đã xử lý 86 vụ, tạm giữ 66m3 gỗ các loại, tịch thu thả về rừng hàng chục cá thể động vật hoang dã, thu nộp ngân sách 861 triệu đồng. Trên lâm phận thành phố xảy ra 16 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 180 ha rừng các loại, trong đó Liên Chiểu 10 vụ, Hòa Vang 4 vụ, Sơn Trà 2 vụ.
Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương, các cơ quan liên quan phân tích nguyên nhân xảy ra cháy rừng, đề xuất các biện pháp tăng cường công tác PCCCR, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cho rằng: Các vụ cháy rừng thời gian qua đều do con người gây ra. Đó là hệ quả của việc quản lý giám sát các hành vi làm tổn hại tài nguyên rừng còn yếu kém, việc tuần tra cảnh giới PCCCR của lực lượng chuyên trách không đến nơi đến chốn. Cơ quan kiểm lâm chưa bố trí lắp đặt các bảng, biển cấm lửa tại các khu vực trọng điểm, giáo dục tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về PCCCR còn hạn chế. Sau các vụ cháy rừng, việc rút kinh nghiệm không nghiêm túc, không kiên quyết, triệt để trong điều tra tìm thủ phạm gây cháy, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Đồng chí đã nghiêm khắc phê bình những địa phương để xảy ra nhiều vụ cháy rừng là các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), các xã Hòa Sơn, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Đồng chí yêu cầu các địa phương và cơ quan kiểm lâm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm PCCCR trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là vùng cận rừng; phối hợp với các cơ quan báo, đài tăng thời lượng tuyên truyền về công tác quan trọng và cấp bách này. Lực lượng chuyên trách PCCCR và kiểm lâm địa bàn thực hiện tuần tra canh trực 24/24 giờ trong ngày, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng, nhất là xử lý thực bì trồng rừng, đốt ong… Nghiêm cấm xử lý thực bì trồng rừng vào giai đoạn nắng nóng cao điểm, việc xử lý phải được sự cho phép của cơ quan kiểm lâm, lập ranh cản lửa chu đáo. Các chủ rừng phải có phương án PCCCR cụ thể, chuẩn bị đầy đủ lực lượng và dụng cụ, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu PCCCR. Cơ quan kiểm lâm triển khai ngay việc lắp đặt bảng, biển cấm lửa trên các vùng rừng trọng điểm, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về PCCCR tại địa phương. Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy xây dựng quy chế phối hợp và xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ và PCCCR; kiện toàn Ban Chỉ đạo các vấn đề cấp bách về bảo vệ và PCCCR các cấp. Khi xảy ra cháy rừng, lực lượng kiểm lâm cùng chính quyền địa phương triển khai chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ, đồng thời thông báo kịp thời và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan. Sau các vụ cháy phải tiến hành rút kinh nghiệm đến nơi đến chốn, kiên quyết điều tra truy tìm thủ phạm gây cháy, xử lý nghiêm minh theo quy định. Kiên quyết thu hồi diện tích rừng đã giao cho cá nhân, tổ chức nếu để xảy ra cháy rừng. Các đơn vị, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ trong quản lý bảo vệ rừng, để xảy ra cháy rừng, sẽ không đưa vào diện xét thi đua khen thưởng hằng năm, cán bộ chịu trách nhiệm chính trong công tác này không được tăng lương…
N.C