.

Vì sao cháy rừng liên tục xảy ra

.

Chỉ trong gần một tuần, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng liên tục xảy ra các vụ cháy rừng, thiêu rụi hàng chục hecta cây bạch đàn, keo lá tràm. Điều đáng nói là trong các vụ cháy rừng trên, nguyên nhân chủ yếu do tác động của con người. Trong khi đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mới chỉ huy động nhân lực, vật lực để dập lửa thâu đêm suốt sáng, chứ chưa có giải pháp căn cơ để ngăn chặn, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng trong thời điểm nắng nóng hiện nay rất cao.

Địa hình núi hiểm trở, để lên được các điểm cháy, lực lượng chữa cháy phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, hết sức khó khăn, vất vả. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Địa hình núi hiểm trở, để lên được các điểm cháy, lực lượng chữa cháy phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, hết sức khó khăn, vất vả. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Quản lý lỏng lẽo?

Sau 16 tiếng đồng hồ nỗ lực chữa cháy, đến 12 giờ ngày 10-8, các lực lượng chức năng quận Liên Chiểu mới khống chế được vụ cháy rừng trồng xảy ra ở tổ 5, phường Hòa Khánh Nam lúc 20 giờ ngày 9-8. Theo một số người dân ở tổ 5, phường Hòa Khánh Nam, trước đó, chiều 9-8, có một nhóm người vào núi Hóc Khế đốt tổ ong lấy mật. Những người này ra về không lâu thì xảy ra cháy rừng dữ dội.

Hơn 400 người gồm cán bộ kiểm lâm, cảnh sát PCCC, Trung đoàn 971, dân quân… nỗ lực chữa cháy thâu đêm, nhưng vẫn không địch nổi với ngọn lửa. Đến sáng 10-8, ngọn lửa từ núi Hóc Khế đã lây lan sang núi Ông Cuông, cách đó gần 1km. Mặc dù ai nấy mệt lả người, nhưng lực lượng chữa cháy phải mang theo thức ăn, nước uống tiếp tục vượt đường rừng hơn 2 giờ đồng hồ dùng máy khò, nhành cây dập lửa, cứu rừng. Đến trưa cùng ngày, ngọn lửa mới được khống chế. Có mặt tại hiện trường, ông Phạm Văn Rộng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu ước tính sau vụ cháy đã có hơn 10 hecta rừng bị thiêu rụi.

Cách đó không lâu, sáng 8-8, ở địa bàn khối phố Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam cũng đã xảy ra một vụ cháy rừng, nguyên nhân do người dân đốt thực bì gây ra. Ông Phạm Văn Lên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng phường Hòa Khánh Nam cho biết, lúc 8 giờ cùng ngày, một số người tổ chức đốt thực bì trái phép ở khu vực rừng trồng đã thu hoạch dưới chân núi Đà Sơn. Khi chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu phát hiện, đến 10 giờ 30 cùng ngày, ngọn lửa đã cháy lan ra phần rừng bên cạnh và bùng phát dữ dội. Không dừng lại ở đó, ngọn lửa đã cháy lan sang khu vực rừng trồng ở thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). UBND huyện Hòa Vang và xã Hòa Nhơn đã phải huy động gần 150 người đến chữa cháy suốt cả buổi chiều. Và vụ cháy này đã làm hơn 6 hecta rừng ở Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam) và thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn) bị thiêu rụi.

Đến ngày 10-8, ở thôn Phước Thuận và Đồi A1, khu vực vành đai bảo vệ Sân bay Đà Nẵng tiếp tục xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng của người dân. Ở khu vực thôn Phước Thuận, vụ cháy kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối cùng ngày. Ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, ngay sau khi phát hiện vụ cháy, gần 150 người gồm công an, bộ đội, dân quân, kiểm lâm… đến dập lửa cứu rừng. Sở Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng  đã điều động 3 xe chữa cháy cùng 25 cán bộ, chiến sĩ đến túc trực tại hiện trường. Tuy nhiên, do ngọn lửa cháy ở trên đỉnh núi nên không đưa nước lên được. Các lực lượng chức năng phải dùng rựa phát ranh, khoanh vùng không cho đám cháy lan rộng. Nhưng gặp thời điểm có gió mạnh, các đám cháy vẫn bùng phát dữ dội uy hiếp sự an toàn của đường dây diện 500kV qua đây. Đến tối cùng ngày, ước tính đã có hơn 10 hecta rừng keo lá tràm, bạch đàn của người dân bị cháy rụi.

Khó khăn trong công tác chữa cháy

Theo ông Phan Thế Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu, lâu nay ngành Kiểm lâm đã có quy định cấm tuyệt đối người dân đốt rừng tự phát. Trường hợp người dân muốn đốt thực bì phải làm đơn báo cáo với chính quyền sở tại, rồi trình lên Hạt Kiểm lâm xét duyệt các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, mới được đốt. Dù vậy, vẫn xảy ra một số trường hợp người dân lén lút đốt thực bì, như vụ đốt thực bì gây cháy rừng ở khối phố Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam) ngày 8-8. “Sắp đến, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu sẽ phối hợp với UBND phường Hòa Khánh Nam xử lý nghiêm trường hợp đốt thực bì gây cháy rừng ở Đà Sơn, theo quy định phát luật”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hầu hết các vụ cháy rừng đều xảy ra ở khu vực xa dân cư, địa hình hiểm trở, đường sá đi lại rất khó, nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng cho hay, khi xảy ra cháy rừng, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp luôn có mặt ở hiện trường khá nhanh. Song, công việc chữa cháy không thực hiện được, bởi khu vực cháy ở trên cao, không thể đưa ống nước đến. Trước tình thế trên, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chỉ còn biết ứng trực bên dưới chân núi phòng ngọn lửa quật xuống phía dưới mà thôi.

Tìm hiểu về nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng trong mấy ngày qua, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố nhìn nhận, những vụ cháy rừng gần đây chủ yếu đều do con người gây ra. Trong khi đó, công tác chữa cháy gặp  nhiều khó khăn do thời tiết hanh khô, gió mạnh, khu vực cháy ở trên cao, nhiều lau lách nên tốc độc lây lan rất nhanh. Cũng theo ông Lương, để ngăn chặn tình trạng cháy rừng tiếp tục xảy ra trên địa bàn thành phố, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm quận, huyện thực hiện trực chiến 24/24 giờ; tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp người dân vào rừng đốt ong, đốt thực bì trái phép; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng.

Về thông tin người dân tổ 5, phường Hòa Khánh Nam phản ánh có thể nguyên nhân vụ cháy rừng ở núi Hóc Khế là do những người đốt ong gây ra vào chiều 9-8, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, UBND quận sẽ chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu phối hợp với Công an quận điều tra vụ việc, nếu đúng như vậy sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.