Trong vòng một tháng qua, xung quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra đến 30 trận động đất lớn nhỏ. Theo thống kê sơ bộ của huyện Bắc Trà My, đến nay có khoảng 120 nhà dân và 2 trường học bị nứt, hư hỏng do động đất gây ra.
Đập thủy điện Sông Tranh 2. |
Động đất đã liên tiếp xảy ra, với mật độ dày hơn, thiệt hại đã được thống kê, nhưng điều mà người dân sốt ruột và quan tâm nhất là thông tin về động đất và sự an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn còn rất mù mờ và bất nhất. Vì thông tin mù mờ, bất nhất nên người dân ở xung quanh đập thủy điện sống trong phập phồng lo lắng. Thậm chí, “dư chấn” của những trận động đất và sự an toàn con đập đã râm ran và lan xuống vùng hạ du thuộc các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Người dân hoang mang, lo lắng, chính quyền tỉnh Quảng Nam bất an, sốt ruột. Tỉnh Quảng Nam đã liên tiếp gửi lên trên những đề nghị khẩn trương cử đoàn công tác tiếp tục khảo sát, nghiên cứu tình hình động đất, sớm có thông báo chính thức về kết quả khảo sát, nghiên cứu động đất. Tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiến hành kiểm tra an toàn vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2...
Thực tế thì ngay sau khi động đất liên tiếp xảy ra, các đoàn khảo sát của các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, trực tiếp khảo sát, các đoàn đến rồi đi, nhưng kết luận cuối cùng về những gì đã và sẽ xảy ra ở huyện miền núi này cũng đi theo chân họ về xuôi. Trả lời báo chí, một vị lãnh đạo Trung tâm báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (thuộc Viện Vật lý địa cầu) cho rằng, tại thời điểm này, các nhà khoa học chưa thể đưa ra kết luận chính thức về động đất, vì cần phải có số liệu, phải có đài trạm quan trắc địa phương. Và ngay khi triển khai mạng lưới quan trắc địa phương để quan trắc những trận động đất nhỏ thì vẫn cần có thời gian mới có thể dự báo được. Với lý do này, vị này “chơi bóng chuyền” khi cho rằng chính quyền địa phương và người dân không nên ngồi chờ kết luận chính thức mà trước hết phải... tự thân vận động.
Trước khi xây thủy điện Sông Tranh, năm 2005, báo cáo đánh giá tác động môi trường của EVN cho rằng thủy điện này “không có khả năng gây động đất kích thích”. Đến khi động đất xảy ra ở Quảng Nam và ngay khi đó, các đoàn khảo sát nhận định động đất ở Bắc Trà My là động đất kích thích do tích nước lòng hồ thủy điện và cho rằng động đất ngày càng giảm nhưng thực tế đến nay lại có chiều hướng tăng lên và mạnh thêm. Ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và là một chuyên gia thủy lợi, cho rằng điều đáng nói hơn là, khi tích nước thì xảy ra động đất kích thích 3,5 độ richter, trong khi hiện nay mực nước nằm dưới mực nước chết vẫn xảy ra động đất 4,2 độ richter, vậy thì động đất kích thích hay động đất do biến đổi bề mặt trái đất? Ông Tập đặt vấn đề: Nếu như vậy, khi tích nước trở lại ở cao trình lớn thì liệu động đất giảm hay mạnh thêm lên? Và mạnh là sẽ mấy độ, có vượt quá giới hạn 5,9 độ richter không? Và như thế, vài ba năm nữa khi hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích đầy nước thì sẽ như thế nào?
Trong tháng 9 này, khi những trận động đất liên tiếp xảy ra ở Quảng Nam, một đơn vị tư vấn độc lập khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn. Chủ đầu tư dự án này cũng khẳng định đập an toàn. EVN cũng đã từng khẳng định đập an toàn. Tuy nhiên, mới đây nhất, ngày 18-9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gửi văn bản đề xuất Chính phủ về giải pháp ứng phó động đất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sinh sống ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Một chi tiết rất đáng chú ý trong văn bản này, khi các chuyên gia khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa đạt yêu cầu!
Những câu hỏi của một chuyên gia thủy lợi dày dạn kinh nghiệm và những đánh giá khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, của các cơ quan chức năng về đập thủy điện thực sự là nỗi hoang mang, lo lắng và gây bất an cho người dân, không chỉ những hộ dân sống ở xung quanh con đập mà là cả hàng chục nghìn hộ dân ở vùng hạ du tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây: Sự thật là động đất ở Quảng Nam là động đất kiến tạo hay động đất kích thích? Động đất ở Quảng Nam có phải do thủy điện gây ra hay không? Đập thủy điện Sông Tranh 2 có tuyệt đối an toàn hay không?
Cho đến hôm nay, những câu hỏi trên vẫn chưa có được câu trả lời chính thức, thỏa đáng và như vậy, “dư chấn” động đất, “dư chấn” Sông Tranh vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân.
An toàn cho dân là trên hết! Các cơ quan chức năng liên quan, chủ đầu tư thủy điện đều biết và đều khẳng định sự ưu tiên hàng đầu này. Song, đây là vấn đề của khoa học, mà đã là khoa học thì phải tuyệt đối chính xác. Không thể cứ mãi “bói” động đất kích thích hay động đất kiến tạo, an toàn hay chưa an toàn. Vấn đề là hãy nhanh chóng hành động, không thể đánh đố lòng tin và đặc biệt là sinh mạng của người dân, để tránh những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
THẢO ĐÀ NAM