.

Phát triển năng lượng tái tạo

.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia rất giàu các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), nhưng mới chỉ trong quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để tìm giải pháp phát triển nguồn năng lượng này. Đà Nẵng cũng không ngoại lệ.

Tái chế nilon thành dầu P0, R0 - một trong những dự án của địa phương.
Tái chế nilon thành dầu P0, R0 - một trong những dự án của địa phương.

Tiềm năng NLTT

Hiện tại, các nguồn NLTT mà nước ta khai thác được chủ yếu là thủy điện, còn rất nhiều nguồn dồi dào khác như mặt trời, gió, sóng biển đang ở giai đoạn bắt đầu. Theo ông Tô Quốc Trụ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng quốc gia (VECC): “Thách thức thiếu điện của Việt Nam là rất lớn và trước mắt sẽ dồn vào giai đoạn từ nay đến năm 2020. Câu hỏi đặt ra là sẽ lấy gì để bù đắp vào nguồn năng lượng thiếu hụt, mà trước hết là điện năng cho giai đoạn này? Câu trả lời khẳng định là: Không có cách nào khác, Việt Nam phải tích cực phát triển năng lượng tái tạo!”. Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã chỉ rõ sẽ chú trọng vào các biện pháp phát triển nguồn NLTT để dần dần thay thế cho nguồn năng lượng từ các nhiên liệu hóa thạch như dầu hỏa, than đá...

Ông Nguyễn Ninh Hải, Vụ phó Vụ NLTT, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, Chính phủ đã xác định tỷ lệ phát triển NLTT đạt 4,5% (330 tỷ kWh) vào  năm 2020 và 6% (695 tỷ kWh)  vào năm 2030 so với tổng điện năng của cả nước. Trong đó, sản lượng  điện gió chiếm  0,7% vào năm 2020 và 2,4%  vào năm 2030; sản lượng điện sinh khối, đồng phát điện chiếm 0,6% vào năm 2020 và 1,1% vào năm 2030. Nguồn này cung cấp cho khu vực nông thôn khoảng trên 600 nghìn hộ vào năm 2020. PGS,TS. Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói rằng: Việt Nam có tiềm năng để phát triển nguồn NLTT với nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh học, sóng biển, địa nhiệt... Tuy nhiên, việc phát triển NLTT ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và cần tăng cường đầu tư.

Thúc đẩy mô hình năng lượng sạch ở địa phương    

Đầu tư cho các nguồn năng lượng mới và tái tạo hướng tới xây dựng nền Kinh tế xanh đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát động cho các ngành liên quan và các địa phương. Hiện nay, Đà Nẵng đã thực hiện một số mô hình khai thác năng lượng sạch như Nhà máy Xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn, Nhà máy thủy điện Sông Nam - Sông Bắc (khởi công năm 2012), Trạm phát điện kết hợp năng lượng gió và mặt trời của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng...

Thực hiện Quyết định 175/QĐ-UBND ngày 7-1-2011 của UBND thành phố về việc ban hành “Đề án sử dụng năng lượng hiệu quả và ứng dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn giai đoạn 2011-2015”, cơ quan chức năng đã triển khai một số dự án tại 75 đơn vị, giảm lượng phát thải ra môi trường hơn 12.000 tấn CO2/năm, tiết kiệm 11,8 tỷ đồng. Đến nay, dự án Nhà máy Chế biến nilon thành dầu đốt của Công ty CP môi trường Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn 1 với quy mô đầu tư 120 tỷ đồng, có công suất 3 tấn dầu/ngày. Về góc độ phát triển năng lượng sạch tại địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho rằng, đang có những rào cản về thông tin, cơ chế chính sách, công nghệ đòi hỏi phải có giải pháp hiệu quả.

Theo các chuyên gia, phát triển NLTT là một công việc đòi hỏi cả một quá trình dài hơi. Trong thời gian tới, Đà Nẵng cũng có một số hoạt động, dự án triển khai như phát triển các phương tiện công cộng sử dụng năng lượng sạch; kêu gọi đầu tư các dự án phát triển điện từ rác thải sinh hoạt của thành phố; nhân rộng mô hình làng sử dụng NLTT; khuyến khích các resort, nhà hàng, khách sạn sử dụng thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời...

Bài và ảnh: DUYÊN ANH
 

;
.
.
.
.
.