Những cánh rừng ở Hòa Bắc (Hòa Vang) vẫn chưa bình yên, bởi nạn khai thác gỗ lậu, đào đãi vàng trái phép liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Tình trạng trên không chỉ tác động xấu đến tài nguyên rừng, mà còn khiến người dân địa phương bức xúc bởi nạn ô nhiễm nguồn nước.
Từ nguồn tin báo của người dân, trong những ngày nửa cuối tháng 8, chúng tôi có mặt ở thôn Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), ghi nhận tình trạng khai thác gỗ lậu, khai thác vàng trái phép ở nơi đây diễn ra một cách công khai.
Gỗ lậu được cất giấu trong vườn nhà dân ở thôn Tà Lang trưa 22-8. |
Kéo gỗ lậu giữa ban ngày
Trưa 22-8, vừa đặt chân đến thôn Tà Lang, chúng tôi phát hiện ở dưới sông Nam, hai thanh niên người dân tộc Cơtu đang buộc một lóng gỗ tròn đường kính gần bằng vòng tay người còn tươi rói vào sau con trâu để chuẩn bị kéo lên bờ. Đường sá gồ ghề, dốc dựng đứng, con trâu hì hục khó nhọc lê từng bước. Thấy chúng tôi, hai thanh niên Cơtu này tỏ vẻ nghi ngờ: “Phía trước là sông, hết đường đi rồi”. Dứt lời, hai thanh niên này giục trâu đi nhanh về phía cuối con đường bê-tông, ngoặt vào đám bụi rậm vứt khúc gỗ.
Nghỉ ngơi, uống nước, rít thuốc lá một lúc, hai thanh niên này dẫn con trâu quay lại đường cũ, lội qua sông Nam băng rừng đi về phía đỉnh núi tiếp tục hành trình vận chuyển gỗ lậu.
Dạo quanh một vòng ở các khu đất dọc bờ sông, chúng tôi phát hiện có nhiều lóng gỗ tròn, gỗ xẻ ra từng phách vuông vức được lâm tặc cất giấu ở bụi cây. Tại một khu đất trống, có 2 phách gỗ vuông vức đang chờ vận chuyển đi nơi khác. Anh T. (trú thôn Tà Lang) cho biết, sợ bị kiểm lâm bắt, nên thời gian gần đây, lâm tặc còn kéo gỗ về giấu trong nhà, ngoài vườn rồi bán cho các cơ sở làm mộc đóng bàn ghế, tủ... cho các mối dưới xuôi đặt mua trước.
Ô nhiễm nguồn nước do khai thác vàng
Gần 10 ngày qua, hàng trăm hộ dân ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí rơi vào cảnh thiếu nước sạch cho sinh hoạt hằng ngày, do nguồn nước Khe Áo bị ô nhiễm, bốc mùa hôi nồng, khó chịu. Nguyên nhân của tình trạng trên do nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép ở thượng nguồn Khe Áo gây ra. Bà Đinh Thị Chấp (ở thôn Tà Lang) than thở: “Mấy hôm nay, bọn nó lên núi khai thác vàng, đổ thứ nước màu đỏ gì đó để rửa vàng sa khoáng, rồi nước ấy trôi xuống suối, hôi hám, nguy hiểm lắm. Thấy vậy, dân mình không dám uống, không dám tắm giặt nữa. Để có nước uống, mình phải lấy can nhựa đi vào tận khe Cây Chon lấy nước”.
Tình trạng khai thác vàng trái phép khiến nguồn nước Khe Áo dẫn về hai thôn Tà Lang và Giàn Bí bị ô nhiễm nặng. TRONG ẢNH: Người dân thôn Tà Lang múc nước cho phóng viên xem. |
Ông Đinh Minh Hải, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang cho biết, hồi tháng 5, có một nhóm người đến tiểu khu 27, 29 rừng Hòa Bắc tổ chức khai thác vàng sa khoáng trái phép, khiến nguồn nước Khe Áo dẫn về hai thôn Tà Lang và Giàn Bí ô nhiễm nặng, không sử dụng được. Sau khi người dân phản ánh, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức đẩy đuổi. Tình hình im ắng một thời gian, khoảng 10 ngày gần đây bọn “vàng tặc” lén lút hoạt động trở lại, khiến nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống người dân nơi đây.
Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cũng ghi nhận thực tế này và cho biết, nguyên nhân chính khiến nguồn nước ô nhiễm do những người khai thác vàng trái phép phía thượng nguồn tại khu vực tiểu khu 27 và 29, rừng Hòa Bắc gây ra. UBND xã đã báo cáo vụ việc lên các cấp chính quyền, các ngành chức năng để có biện pháp xử lý kiên quyết.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ phóng viên, rạng sáng 24-8, lực lượng kiểm lâm Hòa Vang đã tiến hành truy bắt, thu hồi một số phách gỗ được lâm tặc cất giấu ở trên địa bàn thôn Tà Lang. Chi cục Kiểm lâm thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức truy quét “vàng tặc”. Ông Lê Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, cho biết sau 3 ngày ra quân truy quét, các lực lượng chức năng đã phát hủy 4 lán trại và 4 hầm vàng trái phép ở rừng Hòa Bắc. “Thời gian đến, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang sẽ tăng cường lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo pháp luật”, ông Hùng khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi về những tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay ở địa bàn xã Hòa Bắc, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng thừa nhận các vấn đề nêu trên của phóng viên là có thật. Hiện nay, tình trạng người dân lén lút vào rừng khai thác gỗ lậu, săn bắt động vật hoang dã, khai thác vàng vẫn âm ỉ xảy ra tại một số nơi. Để chấn chỉnh tình trạng này, Chi cục Kiểm lâm đã và đang triển khai các giải pháp quyết liệt. Theo đó, lực lượng kiểm lâm sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm. |
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN