.

12 năm “sống chung” với nước ngập

.

Nằm ở góc hai con đường thuộc diện đẹp nhất quận Sơn Trà là Phạm Văn Đồng và Ngô Quyền, thế nhưng kể từ khi đường Phạm Văn Đồng hoàn thành đưa vào sử dụng thì hơn 130 hộ dân thuộc tổ 8 và 9 phường An Hải Bắc lại rơi vào tình cảnh cứ mưa là ngập.

Để tránh nước vô nhà, nhiều gia đình ở tổ 8 và 9 phải xây “bờ bao” thế này, tuy nhiên khi mưa lớn, nước vẫn tràn vào nhà.
Để tránh nước vô nhà, nhiều gia đình ở tổ 8 và 9 phải xây “bờ bao” thế này, tuy nhiên khi mưa lớn, nước vẫn tràn vào nhà.

Theo những người dân sống tại khu vực này cho biết, trước khi đường Ngô Quyền được nâng cấp, mặc dù khu dân cư này không có hệ thống cống thoát nước mưa, nhưng có mưa thì nước có thể chảy ra đường Ngô Quyền và ra sông Hàn, số còn lại chảy vào một cái hồ nước tự nhiên tại đây. Khi đường Ngô Quyền nâng cấp mở rộng và nền nâng cao cũng bắt đầu xuất hiện hiện tượng nước mưa dâng lên vài tiếng sau mới rút. Đặc biệt, kể từ khi đường Phạm Văn Đồng xây dựng, với nền đường cao hơn khu dân cư cả mét, thế là cả hai tổ dân phố số 8 và 9 thành ao trũng, trong khi đó, hồ nước tự nhiên trong khu dân cư cũng bị lấp, cứ có mưa lớn cả khu dân cư phải bì bõm trong nước vài ngày là chuyện thường.

Chị Lê Thị Nghĩa, tổ phó tổ 8 cho biết, từ năm 2000, khi đường Phạm Văn Đồng hoàn thành, đến mùa mưa cả tổ bị nước ngập vô tận nhà cả tháng trời, khiến cho cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn, đặc biệt việc vệ sinh trở thành nỗi ám ảnh của bà con. Do nước ngập hết nhà vệ sinh nên phải “đi” nhờ các nhà khác cao hơn chưa bị ngập, hoặc sang mấy nhà quen ở tổ 9. Một số khác thấy nhờ vả chuyện vệ sinh hằng ngày kỳ quá, thế là mỗi lần “đi” phải chạy xe máy ra tận nhà vệ sinh công cộng dưới chân cầu Sông Hàn. Ngay cả chuyện đi làm cũng khó khăn, nhiều chị thường mặc váy để tiện lội nước, còn nam giới cứ mặc quần đùi, quần dài vắt lên vai ra đến đường Ngô Quyền hoặc Phạm Văn Đồng mới mặc vào. Anh Võ Văn Thức ở tổ 8 than phiền: “12 năm nay sống chung với cảnh cứ mưa là ngập, khó khăn trong chuyện làm ăn, như làm nhà trọ cho thuê kiếm thêm thu nhập cũng không ổn định, do đến mùa mưa nhiều người trả phòng vì không có chỗ vệ sinh”. Tuy nhiên, theo anh Thức, điều đáng nói nhất là tình trạng quy hoạch “treo” 12 năm nay không cho dân làm gì hết, trong khi đường thì không có cống thoát nước, nhà xuống cấp ngày càng nặng, không biết xử lý thế nào.

Ông Nguyễn Khắc Hà, tổ trưởng tổ 9 cũng ngao ngán: “12 năm rồi, chịu miết rồi cũng quen, nhưng sợ cứ treo quy hoạch mãi như thế, nhà cửa xuống cấp, nếu lỡ có gì thì làm sao đây?”. Cũng theo ông Hà, ban đầu có tin là cả tổ 8 và 9 sẽ giải tỏa trắng để quy hoạch, nhưng gần đây đã có sự thay đổi. Ở tổ 8 có khoảng 50% hộ phải giải tỏa trắng, còn ở tổ 9 thì 8 hộ thuộc diện giải tỏa trắng, số còn lại trong diện chỉnh trang một phần chứ không giải tỏa. Trong khi đó, thông tin từ những hộ dân ở tổ 8 và 9 thuộc diện giải tỏa trắng cho chúng tôi biết đã hoàn thành mọi thủ tục, vị trí đất mới cũng đã nhận xong, nhưng thành phố thông báo chưa có tiền nên phải chờ...

Người dân tổ dân phố số 8 và 9 mong muốn thành phố sớm thông báo chính thức cho bà con biết cụ thể thời điểm nào có thể trả tiền đền bù, số còn lại sẽ được sửa chữa nhà như thế nào... Tất cả cần phải rõ ràng và chính xác. 12 năm chờ quy hoạch thực sự làm người dân mệt mỏi!

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN
 

;
.
.
.
.
.