.

3 người chết, tháp truyền hình đổ sập vì bão Sơn Tinh

.

Tối 28-10, ba người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, điện lưới mất trên diện rộng. Tháp truyền hình Nam Định - cao nhất miền Bắc cũng bị quật đổ.

cay-do-haidt.jpg
Cây đổ, mái tôn sập trong mưa bão ở thị trấn Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: VnExpress

Ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài PT-TH Nam Định, cho biết do bão số 8 bất ngờ đổi gió đã quật đổ tháp truyền hình của đài vào tối cùng ngày.

Tháp truyền hình Nam Định cao 180 m, vị trí bị gãy cách đỉnh tháp 150m. Rất may, do khu vực đặt tháp truyền hình không có nhiều dân cư sinh sống nên sự cố không gây thiệt hại về người.

Tại hiện trường, cột tháp nằm trong khuôn viên hàng nghìn m2 bị đổ sập, chỉ còn lại phần đế tháp. Hơn 100m tháp đổ sập ra ngoài khuôn viên, vắt ngang đường, sát một nhà dân.

Thời điểm ngọn tháp đổ, toàn thành phố Nam Định đã mất điện nên các hộ dân xung quanh chỉ nghe thấy một tiếng rầm lớn như tiếng nổ. Điều này đã làm hoảng loạn nhiều người dân cho đến khi phát hiện ra cột tháp truyền hình đã bị đổ.

Cột tháp trị giá hàng chục tỷ đồng vừa đi vào hoạt động từ 2010 là tháp truyền hình cao nhất và hiện đại nhất ở miền Bắc.

Đây là hạng mục chính trong dự án xây dựng trung tâm phát thanh, truyền hình cấp vùng tại thành phố Nam Định theo quyết định số 109 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tháp được lắp dựng trong 7 tháng bằng hệ thống khung thép do Malaysia sản xuất, Công ty TNHH một thành viên công trình Viettel đảm nhận thi công.

Ngoài thiệt hại về hoa màu, nhà cửa, tài sản... bão Sơn Tinh đã làm ít nhất 3 người chết.

Do ảnh hưởng của bão số 8, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; một số nơi có gió mạnh hơn như đảo Hòn Dấu gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Thái Bình gió cấp 11, giật cấp 14; Văn Lý gió cấp 10, giật cấp 14; đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Nam Định và Phủ Liễn gió giật cấp 11.

Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 100 – 200mm; một số nơi có mưa lớn hơn như thành phố Thái Bình 400mm; Văn Lý (Nam Định) 330mm; Phủ Liễn (Hải Phòng) 297mm; Cửa Ông (Quảng Ninh) 222mm; đảo Cô Tô 262mm…

Hồi 4 giờ ngày 29-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực ven biển các tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 29-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Móng Cái (Quảng Ninh). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 30-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Biển động mạnh. Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

(Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)


Theo VnExpress, TTO

;
.
.
.
.
.