.

5 vấn đề được đề nghị làm rõ tại thủy điện Sông Tranh 2

.

Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản yêu cầu Chính phủ chỉ đạo chưa tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 và tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề tại đây.

Thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh lớn) và vết nứt khiến nước chảy xối xả - Ảnh: VTC.
Thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh lớn) và vết nứt khiến nước chảy xối xả - Ảnh: VTC.

Báo cáo giám sát kết quả khắc phục hiện tượng thấm nước và đánh giá an toàn của công trình thủy điện Sông Tranh 2 vừa được Ủy ban gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, kèm theo giải trình của các cơ quan liên quan.

Theo đó, vẫn còn các ý kiến rất khác nhau xung quanh sự an toàn của công trình này. Liên hiệp Các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói “đứng về quan điểm an toàn hồ đập thì rõ ràng thủy điện Sông Tranh 2 chưa đạt yêu cầu”. Còn các chuyên gia của hội đồng nghiệm thu nhà nước thống nhất với tư vấn độc lập được Bộ Xây dựng thuê là đập an toàn trong trường hợp có động đất lớn hơn nhiều so với động đất được giả định trong thiết kế (tương đương 5,5 độ richter).

Khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn và ổn định theo thiết kể ở mực nước dâng bình thường 175 mét với động đất 5,5 độ richter, Bộ Xây dựng cho rằng, đập còn có thể chịu đựng được các tổ hợp tải trọng bất lợi hơn (động đất lớn hơn) và điều kiện đẩy nổi bất lợi nhất khi giả định tất cả các hố khoan tiêu nước nền đập đều bị tắc và nền đập bị nứt hoàn toàn.

Xảy ra động đất, theo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là động đất kích thích do nguyên nhân tích nước hồ chứa, nhưng theo một số ý kiến khác thì còn có thể là do hoạt động của các đứt gãy, kiến tạo địa chất.

Trước vô số vấn đề vẫn đang được tranh luận nảy lửa tại nhiều diễn đàn, cơ quan giám sát đề nghị cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, thảo luận để làm rõ 5 nội dung được cho là rất đáng lưu ý.

Thứ nhất, kết quả chống thấm được xử lý khi cao trình hồ chứa ở mực nước chết (141 m). Tuy nhiên, cao trình ngưỡng tràn của đập là 161 m. Do đập không có cửa xả đáy, khi nước thượng lưu đổ về, mực nước hồ chứa có thể đạt độ cao 161 m; khi tích nước đạt mực nước dâng bình thường theo thiết kế là 175 m. Vì vậy, chưa rõ khả năng chống thấm của đập trong những tình huống này. Hơn nữa, việc cam kết, bảo hành cũng như tuổi thọ phương án chống thấm này chưa thấy báo cáo đề cập đến.       

Thứ hai, công trình được xây dựng tại khu vực địa hình có hoạt động kiến tạo, các đứt gãy phức tạp đang hoạt động. Thiết bị quan trắc và số liệu thu thập được còn hạn chế. Như vậy, ngoài nguyên nhân được cho là do tích nước hồ chứa gây hiệu ứng kích thích, hiện tượng động đất ở khu vực công trình này còn có thể có mối liên hệ với các đứt gãy đang hoạt động, làm khuếch tán nước và tăng cường các trận động đất kích thích. Nếu các trận động đất liên tục xảy ra, có cường độ lớn, tâm chấn nông, trong lòng hồ hoặc sát chân đập thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến an toàn đập.

Thứ ba, báo cáo đánh giá tác động môi còn có một số nội dung có thể gây hiểu lầm và dẫn đến những hạn chế trong thiết kế và thi công công trình. Ngoài ra, một số nội dung cơ bản của kết quả khảo sát địa chất công trình cũng chưa được thể hiện tại đây.  

Thứ tư, hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước các công trình xây dựng, tư vấn độc lập nước ngoài và các cơ quan chức năng đã đưa ra đánh giá kết luận là công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn có thể tích nước để phát điện. Tuy nhiên, cần giải thích rõ nguyên nhân chưa cho tích nước đến mực nước dâng bình thường theo thiết kế.   

Thứ năm, các cơ quan quản lý nhà nước chưa khẳng định được mức độ an toàn của đập khi có động đất cấp cao hơn và lũ đột biến tác động tới công trình.

UBND tỉnh Quảng Nam ở bản báo cáo ngày 25-10 cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan đánh giá cụ thể nguyên nhân, cường độ, phạm vi có khả năng xảy ra động đất. Đồng thời, có giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sinh mạng của hàng chục ngàn người dân khu vực huyện Bắc Trà My trong trường hợp tiếp tục xảy ra động đất với cường độ từ 4,6 - 5,5 độ richter, vì nhà ở của nhân dân và các công trình chủ yếu là cấp 4 và bán kiên cố.

Theo số liệu từ báo cáo giám sát, trong thời gian từ 3-11-2011 đến 22-10-2012, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra 66 trận động đất ở các cấp độ lớn, nhỏ khác nhau. Vào ngày 22-10-2012 , ghi nhận từ các trạm của Viện Vật lý địa cầu tại khu vực Sông Tranh 2 đã có trận động đất lớn với cường độ 4,6 độ richter.

VnEconomy

;
.
.
.
.
.