.

Cần huy động dung tích phòng lũ từ hồ thủy điện

.

Ngay sau khi Báo Đà Nẵng ngày 1-10-2012 đăng bài viết “Lo thủy điện xả lũ”, một số bạn đọc đã gửi thư đến Báo bày tỏ quan ngại khi thủy điện xả lũ, vỡ đập…, đồng thời bày tỏ niềm vui khi được biết nếu liên kết vận hành các hồ thủy điện một cách khoa học sẽ làm giảm lũ cho hạ du. Bạn đọc đề nghị Báo tiếp tục thông tin về vấn đề này để các nhà máy thủy điện quan tâm, xây dựng, quản lý, vận hành hồ chứa hợp lý, và để người dân vùng hạ du bớt lo lắng khi xảy ra lũ.

Ba cửa xả của đập thủy điện A Vương được mở để xả tràn điều tiết lũ vào tháng 10-2011.
Ba cửa xả của đập thủy điện A Vương được mở để xả tràn điều tiết lũ vào tháng 10-2011.

Trong thư gửi Báo Đà Nẵng và HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng, ông Trần Văn Phú (ở K152/8 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng) cho rằng: “Miền Trung là nơi hứng chịu nhiều trận bão lũ, thiên tai. Hiện hiểm họa còn treo lơ lửng trên đầu người dân là thủy điện Sông Tranh 2 đang gây động đất kích thích, nếu hồ chứa thủy điện này vỡ sẽ gây hậu quả khôn lường. Bên cạnh nỗi lo bão lũ, còn là nỗi lo bảo đảm lương thực, thực phẩm và sau bão lũ thì diễn ra tình trạng đầu cơ làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là gạo, muối và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Thiết nghĩ, thành phố cần có giải pháp, kêu gọi dự trữ lương thực trong dân và trong một số cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời khi xảy ra bão lũ”.

Đặc biệt, một bạn đọc ở Quảng Nam cung cấp cho chúng tôi báo cáo “Đề xuất các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiên tai lũ lụt, hạn hán tỉnh Quảng Nam” (thuộc Dự án P1-08-VIE) do các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp với sự chủ trì của TS Vũ Thị Thu Lan. Theo đó, việc phòng lũ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chỉ đạt ở tần suất lũ chính vụ (vào tháng 10 và tháng 11 hằng năm) khoảng 10% và tần suất lũ sớm là 5%. Nhờ các hồ chứa thủy điện, cao trình mực nước trên các sông ở hạ du sẽ giảm từ 0,3-1,5m, cụ thể, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa sẽ giảm 1,42m, mực nước trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy giảm 0,68m và tại Câu Lâu giảm từ 0,4-0,6m. Với khả năng phòng lũ 10%, các hồ chứa có tác động làm giảm mức ngập lụt ở hạ du từ 0,7-1m, hạn chế được thiệt hại do ngập lụt.

Mặt khác, nhóm tác giả chỉ ra rằng: “Theo quy hoạch ban đầu, các hồ chứa thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có tổng dung tích chứa nước 3,014 tỷ m3, trong đó dung tích phòng lũ là 1,07 tỷ m3, chiếm 19,5% trong 10% tổng lượng lũ tại Ái Nghĩa và Giao Thủy trong 5 ngày (khoảng 5,5 triệu m3), khả năng giảm ngập lụt cho hạ du rất khả thi. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh thiết kế cụ thể từng công trình (do giá thành cao) thì dung tích phòng lũ của các hồ thủy điện chỉ còn 146,44 triệu m3”.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi tại Đà Nẵng vào ngày 10-10, ông Văn Phú Chính, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho rằng: “Trước đây, khi các doanh nghiệp xây dựng nhà máy thủy điện, chúng ta chưa phối hợp, làm việc với nhau và chia sẻ gánh nặng kinh phí để xây dựng hồ chứa có dung tích phòng lũ lớn hơn. Chúng tôi đang đề xuất hướng khắc phục thiếu sót này là huy động dung tích phòng lũ từ các hồ chứa thủy điện và đề xuất kinh phí để thực hiện việc này. Tuy nhiên, trước mắt, các nhà máy thủy điện phải thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa lũ hằng năm được Chính phủ phê duyệt và đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy trình này sao cho phù hợp điều kiện thực tế”.

Bên cạnh việc thực hiện đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa lũ hằng năm do Chính phủ phê duyệt, đã đến lúc các nhà máy thủy điện và các nhà khoa học cần ngồi lại bàn bạc để phối hợp huy động dung tích phòng lũ, vận hành hồ chứa, xả lũ hợp lý nhằm làm giảm lũ cho hạ du, đúng mục đích cơ bản của việc xây dựng hồ chứa là cắt giảm lũ và chống hạn.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP
 

;
.
.
.
.
.