.

Chuyện ngập và chống ngập

.

Kỳ 1: Hễ mưa là ngập

Một buổi trưa cuối tuần tháng 10, tôi được ông Nguyễn Sừng, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu vực Hòa Phú 1A (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đưa về tổ 14, đối diện Bệnh viện Ung thư. Ông cho biết, đây là một trong những điểm ngập khá nghiêm trọng trên địa bàn quận Liên Chiểu.

Các trận lũ năm 2011 làm nhà ông Nguyễn Minh bị ngập tận mái tôn.                                                                                                          Ảnh: THANH TÌNH
Các trận lũ năm 2011 làm nhà ông Nguyễn Minh bị ngập tận mái tôn. Ảnh: THANH TÌNH

Từ đường Tôn Đức Thắng rẽ vào đường Ngô Chấn Lưu, con đường ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi đến đường Tô Hiệu, mà theo ông Sừng, vốn trước đây đường Tô Hiệu rất đẹp, do Nhà nước và nhân dân cùng làm, song giờ chằng chịt “ổ gà, ổ voi” bởi mấy mùa mưa đi qua, nước ngập triền miên khiến con đường trở nên hư hỏng, lầy lội. Băng qua một đoạn đường rải giá hạ xây dựng lởm chởm, ông Sừng cho biết: “May mà cô về đây khi trận mưa đầu tháng 10 vừa qua đã chấm dứt, chứ không cô không thể chạy xe qua được đoạn đường này vì rất trơn và dễ ngã”.

Vào các hộ dân tổ 14, khung cảnh chung mà tôi nhìn thấy lúc này là hầu hết các gia đình đã chuẩn bị sẵn các giàn Tiệp (dùng trong xây dựng) để kê đồ đạc lên đề phòng khi mưa lớn xảy ra. Trao đổi với chúng tôi, cụ Nguyễn Thị Đủ (72 tuổi) cho biết: “Trước mùa mưa năm nay, nhà tôi đã phải đi thuê các giàn Tiệp để gác đồ lên. Ở nhà có 2 vợ chồng già, nhỡ mưa lớn, nước lên trở tay không kịp, đồ đạc hư hỏng hết như năm ngoái thì không có tiền sắm lại. Ngay như chiếc bàn thờ, chúng tôi cũng phải kê lên cho chắc, để khi nước dâng cao, mình an tâm di dời đến nơi an toàn”. Còn ông Nguyễn Minh, nhà ở gần đó, bức xúc: “Dân ở đây từ bao đời nay không có tình trạng mưa ngập mái nhà. Chỉ khi các dự án triển khai xây dựng mới thế. Ngay như những trận mưa năm ngoái, nước ngập đến mái nhà, nhiều người phải lên ngồi trên nóc nhà mấy ngày. Khổ nhất là có một vài ca sinh đẻ hoặc ốm đau, lúc đó con đường Tô Hiệu nước đã ngập thành sông nên chúng tôi phải mượn thuyền thúng đưa các chị ra đến khu vực cao hơn để đi cấp cứu”.

Bàn thờ nhà cụ Nguyễn Thị Đủ được kê lên cao đề phòng khi mưa lớn.
Bàn thờ nhà cụ Nguyễn Thị Đủ được kê lên cao đề phòng khi mưa lớn.

Theo lời kể lại của bà con, các trận mưa lũ năm ngoái đã khiến nhiều nhà ngập sâu trong nước, nhiều tài sản của bà con bị hư hỏng. Ngay như 2 trận mưa đầu tháng 9 và tháng 10 vừa qua, chỉ trong hơn 1 tiếng đồng hồ mà nước đã ngập vào nhà hơn 0,5m, còn ngoài ngõ nước đã lên xấp xỉ 1m. Bà con các tổ từ 11-16 phường Hòa Minh mấy năm nay cứ đến mùa mưa là “sống chung với ngập” rất khổ sở, thiếu thốn, nhiều người mắc các bệnh tả, sốt xuất huyết, tay chân lở loét do nước bẩn tù đọng lâu ngày... “Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị với thành phố đề xuất với các chủ đầu tư nếu chưa giải tỏa thì nên làm hệ thống thoát nước tạm thời để thoát nước cho khu vực. Và thực tế, thành phố đã cho đào tuyến mương thoát nước tạm cho khu vực phường Hòa Minh, nhưng mưa ngập 10 thì mương đó cũng chỉ thoát được 1”, ông Sừng cho biết thêm.

Rời tổ 14 phường Hòa Minh, chúng tôi đến khu vực đường Đàm Quang Trung có các tổ 6, 7, 8, 9, 10, 11 phường Hòa Hiệp Nam, đây là khu vực chỉnh trang, có cao trình nền đất thấp hơn khu vực xung quanh gần 1m, hướng thoát nước về phía sông Cu Đê hiện không còn. Vào mùa mưa lũ hằng năm, các hộ dân khu vực này phải di chuyển lên các trường học hoặc sang nhà người thân ở tạm. Cũng chung tình trạng ngập úng, tổ 21, 22, 23 phường Hòa Khánh Nam (sau Trường ĐH Sư phạm), hằng năm cứ mưa lớn là ngập, do trước đây là đồng ruộng, có địa hình thấp trũng, ngập úng nhiều năm, nhiều nhà xây tại vị trí thấp trũng đã cản trở dòng chảy của các mương nước, hơn nữa, các ống bê-tông ly tâm thoát nước tạm đã không còn bảo đảm nên gây ngập. Hay như ở tổ 8, 9, 10, 11 Đà Sơn (khu vực chỉnh trang thuộc dự án Khu dân cư Nam đường Hoàng Văn Thái tiếp giáp dự án Tân Cường Thành) cũng thường xuyên bị ngập nặng. Hiện nay, toàn bộ khu vực thoát nước qua cống D=800 của dự án Tân Cường Thành không bảo đảm…

Không chỉ có vậy, trên địa bàn thành phố còn rất nhiều điểm ngập khác. Mặc dầu thành phố đã triển khai nhiều biện pháp xử lý ngập úng nhưng e rằng mùa mưa năm nay, tình hình ngập vẫn chưa cải thiện nhiều.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: THANH TÌNH
 

;
.
.
.
.
.