.

Gấp rút xử lý ngập úng

.

Mùa mưa đang đến, những ngày này, các đơn vị liên quan đang khẩn trương thi công, xử lý các điểm có khả năng gây ngập cao nhằm hạn chế đến mức tối đa tình trạng ngập và tái ngập trong thời gian tới.

Công nhân Công ty TN&XLNT đang nạo vét tuyến cống đường Tôn Thất Thiệp (quận Ngũ Hành Sơn).
Công nhân Công ty TN&XLNT đang nạo vét tuyến cống đường Tôn Thất Thiệp (quận Ngũ Hành Sơn).

Còn 28 điểm ngập trọng tâm

Theo báo cáo gần đây nhất của Sở Xây dựng, hiện còn 79 điểm ngập, trong đó có 28 điểm ngập trọng tâm mà theo chỉ đạo của UBND thành phố là cần tập tập trung xử lý dứt điểm. Điển hình là các vị trí: Khu vực đường Nguyễn Xuân Nhĩ và Trương Chí Cương; khu vực nút giao thông đường Đống Đa; khu vực Nguyễn Văn Linh-Hàm Nghi-Lê Đình Lý; khu vực giữa đường Đỗ Quang-Nguyễn Hoàng; khu vực tổ 14, phường Thanh Khê Tây; khu vực dân cư dọc 2 bên đường Hà Thị Thân, phường An Hải Tây; khu vực Chơn Tâm 2, phường Hòa Khánh Nam; khu vực tổ 41, phường Hòa Minh... Đây là những điểm có cao trình thấp trũng hơn so với khu vực xung quanh hoặc các mương, cống bị lấp lâu ngày nên khi có mưa lớn sẽ xảy ra tình trạng ngập úng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của nhân dân.

Trước tình hình đó, thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan gấp rút xử lý các điểm ngập úng. Sở Xây dựng đã phối hợp với Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (TN&XLNT) Đà Nẵng thực hiện nhiều biện pháp như khơi thông hệ thống thoát nước, nạo vét các cửa thu nước, các tuyến cống, xử lý các điểm đấu nối… và thực tế, nhiều điểm trên đã giảm ngập. Chỉ tính riêng hơn 9 tháng qua, Công ty TN&XLNT Đà Nẵng đã nạo vét hơn 40 tuyến cống, 3 tuyến kênh mương với gần 3.800m3 bùn và đào gần 2.300m3 đất. Dự kiến trong tháng 10 và 11 tới, công ty sẽ nạo vét thêm 16 tuyến cống khác với khối lượng khoảng hơn 1.200m3 bùn nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng.

Cần sự chung tay

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng ngập úng là do thành phố đang trong quá trình đô thị hóa, việc chỉnh trang, xây dựng các khu dân cư đã làm lấp đi một số hệ thống thoát nước, trong khi đó, việc đấu nối các hệ thống thoát nước chưa đồng bộ và hơn hết là ý thức người dân chưa cao, khiến tình trạng xây dựng lấn chiếm và đổ đất đá, rác thải xuống kênh mương, cống thoát nước, cửa thu nước… xảy ra đã làm tắc nghẽn dòng chảy của hệ thống thoát nước. Do đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp chính quyền và người dân trong việc chung tay chống ngập úng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng), cho biết: “Đối với mỗi điểm ngập sẽ tùy theo nguyên nhân gây ngập úng để có phương án xử lý chống ngập cụ thể. Có thể, bằng các biện pháp sửa chữa các cửa thu nước bị hỏng, lắp đặt các tấm lưới chắn rác; dự phòng máy bơm thoát nước khi có mưa lớn hay tăng cường các biện pháp thoát nước tạm để giảm thiểu tối đa ngập úng tại khu vực. Còn đối với một số dự án đang triển khai, hệ thống thoát nước chưa đấu nối đồng bộ, sẽ ưu tiên khơi thông dòng chảy, thoát nước tạm thời. Thường xuyên theo dõi các điểm ngập úng cũ để có kế hoạch kiểm tra, tránh tình trạng tái ngập diễn ra”.

Thành phố vừa thành lập Tổ công tác phòng chống ngập úng trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổ này sẽ có nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp xử lý kịp thời cho các điểm ngập. Như vậy, các điểm ngập úng mới được kiểm soát, xử lý trong mùa mưa năm nay.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.