Một buổi sáng cuối tháng 10, chúng tôi có cuộc hành trình vào khu rừng nguyên sinh Sơn Trà cùng với các cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn. Ở đây, giữa không gian núi rừng trùng điệp, chúng tôi càng thấy rõ hơn giá trị của “lá phổi xanh” Sơn Trà.
Các cán bộ kiểm lâm tuần tra trong rừng. |
Vào rừng nguyên sinh
Nằm cách trung tâm thành phố gần 10km về phía đông, bán đảo Sơn Trà với những mảng rừng xanh ngút ngàn khiến khi đi vào khu rừng này, chúng tôi cảm thấy mình dường như bé nhỏ lại. Sự hùng vĩ của không gian núi rừng hòa lẫn trong làn sương mờ ảo, giữa một bên là rừng, một bên là biển, khung cảnh thật đẹp biết bao. Theo con đường nhựa ngoằn ngoèo, có đoạn đã trở nên gồ ghề bởi qua nhiều năm “sương gió”, chúng tôi đã đến rừng nguyên sinh Sơn Trà. Theo lời giới thiệu của anh Lê Phước Bảy, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thì trong Khu bảo tồn thiên nhiên này có loài đặc hữu là Voọc ngũ sắc (hay còn gọi là Chà vá chân nâu). Vì vậy, nếu may mắn, chúng ta có thể gặp được đàn Voọc đang đi kiếm ăn tại khu rừng này.
Đi được gần một nửa bán đảo Sơn Trà, chúng tôi dừng lại bên đường khi gặp một nhóm kiểm lâm đi tuần tra từ trong rừng ra. Anh Đinh Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Tiên Sa - Bãi Bắc, hồ hởi cho biết: “Từ sáng sớm, anh em chúng tôi đã “cơm đùm gạo bới” đến khu vực này. Công việc tuần tra khi nào xong mới về, có thể 1 buổi, 1 ngày hoặc nhiều ngày mới xong. Như sáng nay, anh em chúng tôi cũng đã tìm và tháo được hơn 20 bẫy thú rừng mang về”. Đứng bên cạnh, anh Bảy cho biết thêm: “Công tác tuần tra trên rừng rất vất vả, đi đêm đi hôm không kể giờ giấc. Cứ mỗi khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi, anh em lại tức tốc lên đường. Có nhiều lúc vượt đèo cao, dốc đứng, rừng âm u, rậm rạp, ve vắt nhiều, trời lại mưa, khiến anh em bị trượt ngã hoài. Tuy vậy, ai cũng cố gắng để đến được vị trí xác định”.
Rời khỏi cánh rừng nguyên sinh, băng qua những cánh rừng phục hồi, chúng tôi đi vào những cánh rừng cây sao đen được trồng sau khi tiêu diệt dây leo bìm bìm. Những cây sao đen bây giờ đã cao gần 1m, vươn thẳng, ngoài việc có tác dụng chống sự phát triển của các loại dây leo bìm bìm, những khu rừng sao đen này còn giữ đất khỏi bị xói mòn và góp phần phục hồi rừng.
Giữ cho rừng mãi xanh
Rừng Sơn Trà hùng vĩ và xanh ngút ngàn như vậy nhưng nếu nhìn vào thực tế, chúng ta vẫn thấy rừng đang bị “đe dọa” bởi rất nhiều yếu tố khác nhau. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn, hiện trên bán đảo Sơn Trà có khoảng 16 dự án du lịch, trong đó 3 dự án đã đưa vào sử dụng, 5 dự án đang khởi động, còn lại là các dự án khác mới chỉ giao đất. Việc xây dựng các khu du lịch ở bán đảo Sơn Trà là chủ trương của thành phố nhằm khai thác tiềm năng về du lịch mà thiên nhiên đã ưu đãi cho bán đảo Sơn Trà, song điều đáng nói là các dự án ra đời kéo theo việc hình thành những con đường, qua quá trình san ủi quá mức đã tạo thành những “vệt” chằng chịt, nham nhở với những mảng đất “đỏ, vàng”, dễ gây sạt lở cho bán đảo Sơn Trà. Hơn nữa, việc bẫy bắt động vật, đốt than, đào cây rừng tuy những năm gần đây đã hạn chế nhiều, song chưa hết, đã gây ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các loài thực vật, động vật trên bán đảo Sơn Trà.
Trao đổi về những vấn đề này, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố, cho biết: “Việc phát triển các dự án du lịch và mở rộng các hệ thống đường giao thông trên bán đảo Sơn Trà hầu hết không nằm trong diện tích rừng đặc dụng nên ảnh hưởng không đáng kể đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Song, đánh giá được những ảnh hưởng của việc mở đường làm chia cắt sinh cảnh sống của loài Voọc nên vừa qua, thành phố đã có dự án xây dựng các cây cầu xanh tại các điểm bị chia cắt để Voọc có thể di chuyển qua lại. Và đây cũng là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm sự hài hòa trong phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn loài Voọc nói riêng tại bán đảo Sơn Trà”.
Để bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học ở khu vực này, ngoài các biện pháp đã làm, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và dân cư địa phương. Hơn nữa, công tác tuần tra, bảo vệ rừng phải được tiến hành nghiêm ngặt nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc bẫy bắt các động vật hoang dã trái phép, cũng như các tác động xấu vào rừng, để giữ cho rừng Sơn Trà mãi xanh.
Rừng Sơn Trà ban đầu có diện tích 4.370 ha, sau khi quy hoạch lại, còn khoảng 2.591 ha. Trong đó có 400ha rừng nguyên sinh với các cây chủ đạo là chò, dầu lá bóng, sơn, dẻ, bời lời…, có 885 loài thực vật thân gỗ, 171 loài động vật có xương sống. Đặc biệt, trong khu rừng Sơn Trà có loài đặc hữu là Voọc ngũ sắc (hay còn gọi là Chà vá chân nâu) là loài đang nằm trong sách Đỏ Việt Nam. Theo số liệu trong một cuộc điều tra mới đây, ước tính trên bán đảo Sơn Trà có khoảng trên 300 con. Ngoài việc điều hòa không khí cho toàn thành phố, rừng Sơn Trà còn là nơi thuận lợi cho thảm thực vật và hệ động vật rừng phát triển... |
Bài và ảnh: THANH TÌNH