.

Hòa Vang đẩy mạnh bảo vệ rừng

.

Giải pháp nào ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác và vận chuyển gỗ lậu? Câu hỏi đó luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo, nhân viên Hạt Kiểm lâm Hòa Vang.

Trạm kiểm soát dã chiến trên địa bàn xã Hòa Bắc.
Trạm kiểm soát dã chiến trên địa bàn xã Hòa Bắc.

9 tháng qua, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang đã lập biên bản xử lý 48 vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ, cất giấu trái phép lâm sản, tịch thu hơn 27m3 gỗ, phạt 116 triệu đồng; tổ chức 66 lần truy quét, triệt phá 19 lán trại, đưa ra khỏi rừng hàng chục đối tượng... Điều này cho thấy, hoạt động chặt phá, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn vẫn còn phức tạp. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang cho biết: Do quản lý một diện tích rừng lớn, hơn 33,5 nghìn ha, lại phân bố trên một địa bàn rộng, với địa hình rất phức tạp, nhưng hiện tại lực lượng kiểm lâm của Hạt quá mỏng, trong khi một số cán bộ vừa công tác vừa đi học. Đó là chưa kể, đơn vị còn phối hợp với các địa phương khác như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum... tuần tra kiểm soát việc vận chuyển lâm sản qua địa bàn nên gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Điểm đáng chú ý hiện nay là các hành vi vi phạm của lâm tặc ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt là trong chặt phá, cất giấu và vận chuyển lâm sản trái phép. Trong số 48 vụ lập biên bản xử lý, chỉ có 20 vụ có chủ, còn lại vô chủ. Để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, các đầu nậu thường tổ chức vận chuyển, mua bán vào ban đêm. Ông Lê Đình Thám, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hòa Vang cho rằng: Ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng không đơn giản, bởi đời sống người dân vùng cận rừng còn nhiều khó khăn, thỉnh thoảng lén lút vào rừng chặt vài phách gỗ về bán. Họ theo dõi mọi động tĩnh của cơ quan chức năng nên khó phát hiện. Hơn nữa, khi phát hiện khó xử lý vì không bắt được quả tang. Ngoài ra, việc bắt giữ được các đối tượng khai thác gỗ trái phép rất khó khăn và nguy hiểm, bởi các đối tượng này sẵn sàng bỏ lại toàn bộ tang vật và phương tiện khi bị phát hiện để bỏ chạy.

Vì vậy, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chặt phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý, bảo vệ rừng, Hạt đã tham mưu cho cấp trên một số giải pháp như: Xây dựng các phương án thực hiện truy quét lâm tặc, tích cực chốt chặn tại các trạm và thường xuyên tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm; tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho lâm tặc... Mới đây, Hạt đã tổ chức thêm trạm kiểm soát dã chiến trực 24/24 giờ tại địa bàn xã Hòa Bắc, đồng thời phối hợp với UBND xã Hòa Bắc tổ chức họp dân tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, tổ chức ký cam kết, phát tờ rơi, phiếu tố giác đối tượng vi phạm chặt phá, săn bắt động vật rừng… cho các hộ dân. Ngoài ra, tại các điểm “nóng” thường xảy ra chặt phá rừng, hay các tuyến đường giao thông thường xảy ra tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép, Hạt cử cán bộ bám cơ sở tăng cường kiểm tra nắm bắt tình hình. Trong những ngày đầu tháng 10, Hạt phối hợp với các xã liên tiếp triển khai công tác bảo vệ rừng, cán bộ lãnh đạo Hạt bám địa bàn, chỉ đạo việc tuần tra truy quét tại rừng và chốt chặn ở các vị trí xung yếu.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.