Cứ gần đến mùa bão lũ, hàng vạn người dân ở hạ du, trong đó có nhiều khu vực ở thành phố Đà Nẵng lại lo ngay ngáy thủy điện xả lũ gây ngập lụt nặng.
Cuối tháng 9, đầu tháng 10-2009, thủy điện A Vương xả lũ “sốc” gây ngập nặng cho vùng ven sông Cẩm Lệ (ảnh trái) và phường Hòa Xuân (ảnh phải) giữa ngày nắng ráo sau bão. |
Trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có 10 dự án nhà máy thủy điện bậc thang được quy hoạch với tổng công suất 1.141MW và điện lượng lên tới 4,6 tỷ kWh/năm, trong đó có 4/10 dự án nhà máy thủy điện đã phát điện với tổng công suất gần 650MW, gồm thủy điện A Vương, Sông Côn 2, Sông Tranh 2 và Đắk Mi 4.
Thực tế, thủy điện A Vương từng xả lũ “sốc” gây lũ chồng bão, ngập nặng cho vùng hạ du của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng vào năm 2009, thủy điện Sông Tranh 2 cũng xả lũ gây ngập nặng cho vùng hạ du tỉnh Quảng Nam vào năm 2011. Trên cơ sở các số liệu thực tế về lượng mưa, mực nước dâng đo được và việc xả lũ của thủy điện A Vương ở trận lũ chồng bão nói trên, Thạc sĩ Tô Thúy Nga và TS. Lê Hùng, Khoa Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học “Ảnh hưởng của các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đến ngập lụt hạ lưu Quảng Nam-Đà Nẵng”, trong đó sử dụng mô hình Mike Flood để tính toán, so sánh theo 5 kịch bản bao gồm: mực nước thực tế đo được; nếu không có hồ thủy điện A Vương; khi duy nhất thủy điện A Vương xả lũ theo cách thức và mức độ mà nhóm tác giả đề nghị; khi có 3 thủy điện (A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2) cùng xả lũ theo đề nghị của nhóm tác giả; khi có cả 5 thủy điện (A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2 và 2 thủy điện đang xây dựng là Sông Bung 2 và Sông Bung 4).
Báo cáo tại hội thảo khoa học “An toàn trong xây dựng đập và vận hành hồ chứa” do ĐH Đà Nẵng tổ chức vừa qua, nhóm tác giả cho rằng: “Nhờ có hồ chứa A Vương (tuy có xả lũ gây ngập nặng) đã làm giảm ngập lụt ở hạ du so với khi chưa có hồ chứa A Vương, theo đó mực nước cực đại đo thực tế trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đã giảm 1,7cm. Nếu thủy điện A Vương tích nước, xả lũ hợp lý và vẫn bảo đảm mực nước đầy hồ sau lũ theo đề nghị của chúng tôi, thì quá trình xả lũ sẽ không gây “sốc”, đồng thời sẽ làm giảm ngập lụt ở hạ du so với vận hành thực tế như trận bão Ketsana năm 2009; cụ thể, mực nước cực đại trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa sẽ giảm 15,1cm. Khi có 3 thủy điện cùng vận hành, tích nước, xả lũ hợp lý thì mực nước cực đại tại Ái Nghĩa sẽ giảm 16cm. Khi có 5 thủy điện cùng vận hành thì mực nước cực đại tại Ái Nghĩa sẽ giảm 16,8cm”.
Theo thạc sĩ Tô Thúy Nga: “Trước khi lũ về, các thủy điện cần phải xả lũ, hạ thấp mực nước trong lòng hồ chứa. Trong quá trình mưa lũ, phải kiểm soát được lượng mưa, lưu lượng nước lũ đổ về hồ chứa, tức là phải bố trí nhiều thiết bị đo đếm, kết hợp với dự báo lượng mưa của đài khí tượng - thủy văn, để tính toán và xả lũ hợp lý, tránh xả lũ “sốc” gây ngập lụt hạ du và thiếu nước để phát điện sau này”.
Theo Ban quản lý dự án Thủy điện 3, từ ngày 1-9 đến ngày 15-12 hằng năm, các hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 phải được vận hành theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên là: bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện, không để mực nước hồ vượt cao trình mực nước dâng gia cường với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm; góp phần giảm lũ cho hạ du; bảo đảm hiệu quả phát điện. Cao trình mực nước đón lũ của hồ thủy điện A Vương là 376m, hồ Đắk Mi 4 là 255m và hồ Sông Tranh 2 là 172m. Trong quá trình vận hành, căn cứ vào lưu lượng đến hồ và mực nước hồ thực đo hiện tại, nếu dự báo trong 6-12 giờ tới lũ về 3 hồ này đạt đỉnh thì vận hành các hồ giảm đỉnh lũ. Khi mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường, vận hành bảo đảm lưu lượng xả bằng lưu lượng nước đến hồ…
Được biết, trong tháng 8-2012, Công ty CP Thủy điện A Vương, UBND huyện Đại Lộc và các chủ đầu tư thủy điện trong hệ thống thủy điện bậc thang Vu Gia - Thu Bồn đã ký cam kết cùng thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa và truyền thông cộng đồng rộng rãi tới chính quyền cũng như người dân vùng hạ du.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP