.

Nhà vệ sinh công cộng quá nhếch nhác

.

(ĐNĐT) – Là một thành phố du lịch nên Đà Nẵng thường xuyên có lượng khách vãng lai, khách du lịch đông đúc. Thành phố đã xây dựng nhiều nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), cả cố định và lưu động, song hiệu quả hoạt động còn nhiều điều đáng bàn.

Nhà vệ sinh công cộng cố định nằm cạnh tượng đài 2-9 hoạt động không hiệu quả, đã được sử dụng vào mục đích khác.

Nhà vệ sinh công cộng cố định nằm cạnh Đài Tưởng niệm hoạt động không hiệu quả, đã được sử dụng vào mục đích khác.

Nhếch nhác, bốc mùi

Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó phòng Kinh doanh, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố Đà Nẵng, cho biết hiện trên địa bàn thành phố có 12 NVSCC cố định được xây dựng và bố trí trên nhiều tuyến đường, công viên…, chủ yếu phục vụ khách vãng lai, khách du lịch.

Tuy nhiên, có 4 NVSCC cố định đã không còn được sử dụng và chuyển sang mục đích khác là NVSCC ở khu vực gần Đài Tưởng niệm (trên đường 2-9), NVSCC đặt cạnh trụ sở Công an phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) và hai NVSCC đặt trên địa bàn quận Cẩm Lệ (Trạm Hòa An và NVSCC cạnh Trung tâm Hội chợ triển lãm trên đường CMT8).

Bồn tiểu nam trong NVSCC cố định trước Công viên 29-3 đã bị hư từ lâu và được bịt bằng giấy báo như thế này.
Bồn tiểu nam trong NVSCC cố định trước Công viên 29-3 đã bị hư từ lâu và được bịt bằng giấy báo như thế này.

Số còn lại hoạt động song khá èo uột, khách sử dụng không nhiều, lại vừa không đảm bảo vệ sinh, kém mỹ quan. Bên cạnh đó là sự quản lý lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm, chăm sóc. Nhiều NVSCC cố định lại bị lạm dụng, biến thành chỗ để đồ đạc, vật dụng sinh hoạt của một số người.

Trên địa bàn quận Hải Châu, quận trung tâm thành phố, có 6 NVSCC cố định thì chỉ có 4 NVSCC đang được sử dụng nhưng đều thưa vắng khách. NVSCC cố định nằm cạnh Công viên 29-3 do thiếu sự chăm sóc tử tế, nên khi bước chân vào đã thấy một mùi hôi, mùi khai nồng bốc lên mũi.

Tại khu vực bồn tiểu dành cho nam có 5 bồn thì đã bị hỏng 3, trong đó hai cái đã được bịt lại bằng… giấy báo, còn bồn kia thì ghi dòng chữ “không tiểu được” và xung quanh đó để lộn xộn những cây lau nhà, chổi lau chùi nhếch nhác.

Khu vực bồn cầu ngay cạnh đó cũng có 5 bồn song đã đóng cửa một. Những bồn còn lại thì khá dơ bẩn. Nắp của 3 bồn chứa nước xả đã bị mất, cái còn lại thì sứt mẻ. Theo quan sát của chúng tôi, trong vòng gần 20 phút của buổi trưa ngày 16-10, tại đây chỉ có duy nhất có một người nam bước vào vệ sinh.

NVSCC cố định đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm nằm lọt thỏm giữa khu vực công trình thi công cầu Rồng, mặc dù còn sử dụng nhưng trong dãy 5 bồn cầu cũng đã bị hỏng một bồn, còn lại đều khá nhếch nhác, lúc nào cũng bốc mùi hôi nồng.

Bên trong NVSCC cố định đối diện Bảo tàng Chăm Đà Nẵng khá nhếch nhác.
Bên trong NVSCC cố định (đối diện Bảo tàng Chăm Đà Nẵng) khá nhếch nhác.

Thiết bị vệ sinh hầu hết đã bị sứt mẻ, không sử dụng được. Ngay trước mỗi bồn này được đặt một thùng nước để khi vệ sinh xong thì múc dội. Tuy nhiên, khi đi vệ sinh xong, nhìn quanh khu vực cũng không tìm ra được xà phòng rửa tay, giấy lau. Quan sát trong vòng hơn 30 phút trưa ngày 17-10, chúng tôi cũng không thấy có một bóng người vào.

NVSCC cố định nằm đầu đường 3-2 và Trần Phú hiện cũng bị hỏng hóc và chỉ còn sử dụng một bên. Còn khu bên cạnh kia được dùng để chứa đồ sinh hoạt, phòng ngủ, phòng bếp nấu ăn cho người trông coi tại đây.

Quản lý lỏng lẻo

Nói về nguyên nhân của tình trạng NVSCC cố định hoạt động kém hiệu quả, ông Phúc cho rằng, cơ bản là do vị trí đặt NVS không thuận lợi, lại bị khuất nên người dân không để ý. Bên cạnh đó là do tâm lý của người dân, du khách. “Chỉ lúc nào bí lắm hoặc phải đi đại tiện thì họ mới vào NVSCC, nhưng cũng rất ít”, ông Phúc nói.

Về tình trạng cơ sở vật chất của NVSCC cố định, ông Phúc cho biết, toàn bộ NVSCC cố định đều được công ty giao cho các Xí nghiệp Môi trường Đô thị các quận, huyện quản lý, giám sát và sửa chữa. “Tuy nhiên, lợi nhuận thu vào rất ít, thêm vào đó nhiều người còn kém ý thức khi sử dụng khiến thiết bị sớm hư hỏng, không sử dụng được”, ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng thừa nhận, do thời gian qua chưa thường xuyên kiểm tra tình trạng hư hỏng của cơ sở vật chất tại các NVSCC cố định nên không nắm rõ toàn bộ hiện trạng (!?).

Còn theo ông Nguyễn Đắc Linh, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường và Đô thị Thanh Khê 2 (quận Thanh Khê), đơn vị quản lý NVSCC cố định tại Công viên 29-3, sau khi được bàn giao, Xí nghiệp làm hợp đồng giao cho một cá nhân sử dụng, quản lý và tự cân đối thu chi từ đầu năm 2012.

“Khi bàn giao thì mọi thứ vận hành bình thường. Những hư hỏng nhỏ như hư bóng đèn, dây điện… người quản lý tự cân đối từ các khoản thu chi để sửa chữa. Những hư hỏng lớn thì họ phải làm báo cáo, chúng tôi xuống kiểm tra sau đó sẽ đề xuất công ty kiểm tra và sửa chữa nhưng đầu năm tới giờ cũng chưa thấy họ báo cáo, đề xuất. Sắp tới chúng tôi sẽ xuống làm việc để nắm rõ về tình trạng này”, ông Linh nói.

Ông Huỳnh Minh Nhơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, trăn trở, chúng ta đang xây dựng hình ảnh của một thành phố môi trường, thành phố du lịch, năng động và phát triển. Do vậy, vấn đề NVSCC sạch sẽ, bố trí một cách hợp lý là một yếu tố hết sức quan trọng để tạo được hình ảnh văn minh lịch sự, gây ấn tượng với du khách.

Theo ông Nhơn, nhiều người hay quan niệm NVSCC chỉ là nơi “giải quyết” nhu cầu khi thực sự cấp bách nên lâu nay ít quan tâm đến việc đầu tư, chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh một cách đầy đủ và sạch sẽ. Điều này khác hẳn với các nước có ngành “công nghiệp không khói” phát triển như Thái Lan. Họ coi NVSCC giống như một địa điểm thư giãn, để khi du khách cần, bước vào đó họ cảm thấy thực sự thoải mái.

“NVSCC chỉ là một công trình phụ trợ, nhưng nó tác động nhiều đến chất lượng, hình ảnh du lịch của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Chúng ta không cần phải thiết kế NVSCC đẳng cấp như NVS trong khách sạn 4-5 sao, nhưng chỉ cần chăm sóc và bảo quản đảm bảo được sạch sẽ, thơm mát thì đã phần nào tạo được thiện cảm trong con mắt du khách khi tới Đà Nẵng”, ông Nhơn bày tỏ.

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị thành phố Đà Nẵng, bên cạnh NVSCC cố định hiện có, UBND thành phố đã có chủ trương lắp đặt 30 NVSCC lưu động để phục vụ nhu cầu du khách và người dân.
Từ ngày 15-6 đến ngày 30-9, đã lắp đặt, đưa vào vận hành được 15/30 NVS lưu động. Bố trí 16 lao động trực thường xuyên 2 ca/ngày (từ 5-21 giờ hàng ngày tại 8 điểm trực).

Mức thu phí áp dụng từ ngày 20-9 là 2.000 đồng/người/lượt theo quy định của UBND thành phố. Riêng 3 NVS không thu được phí là: NVS trên đường Nguyễn Văn Linh (gần sân bay Đà Nẵng); NVS trên đường Xuân Diệu và NVS trên đường Hàm Nghi.

Hiện công ty có tờ trình đề nghị UBND thành phố và các đơn vị liên quan cấp kinh phí công tác quản lý, vận hành các NVS lưu động theo đơn giá (hơn 100 triệu đồng/năm/NVS và mức hơn 107 triệu đồng/năm/NVS (có 2 NVS liền nhau) và cấp bù kinh phí quản lý trong 3 tháng vận hành với số tiền hơn 140 triệu đồng.…

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

 

 

;
.
.
.
.
.