.

Ô nhiễm ở làng đá

.

Chuyện ô nhiễm môi trường ở làng đá mỹ nghệ Non Nước đã được báo động từ nhiều năm nay. Các cấp, các ngành từ địa phương đến thành phố đã vào cuộc. Song, trong quá trình quy hoạch mang tính bền vững cho làng nghề, việc giáo dục ý thức cho người dân nơi đây là hết sức cần thiết.

Một cơ sở sản xuất luôn gây ô nhiễm môi trường trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).
Một cơ sở sản xuất luôn gây ô nhiễm môi trường trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Non Nước đã có lịch sử hàng trăm năm nay. Hiện làng đá Non Nước có hơn 400 hộ sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ, chủ yếu tập trung ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Hằng năm làng đá này giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh ở đây vẫn còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, không theo quy định nào. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng cao, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người sản xuất mà còn thường xuyên tác động đến cuộc sống của người dân nơi đây, đồng thời để lại ấn tượng không tốt đối với du khách.

Anh Nguyễn Thái Hưng (ở phường Hòa Hải) bức xúc cho biết, ngày nào đưa đón con đi học trên đường Nguyễn Duy Trinh cũng đều bị bụi đá vây kín người. Có hôm con bé khóc nức nở không chịu vào lớp vì bộ đồng phục dính đầy bụi đá. Vậy là mỗi lần chở con đi học, anh Hưng phải đeo khẩu trang, mang kính và mặt áo choàng cho con. Nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Còn nỗi lo lớn nhất đối với anh là sức khỏe của con cái, vì mỗi ngày phải hít bụi đá có nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh tật. Đó không chỉ là nỗi lo của riêng anh Hưng, mà là sự trăn trở, bức xúc của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi môi trường ở làng đá...

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại làng đá Non Nước hiện nay, hàng trăm cơ sở sản xuất đá trên đường Nguyễn Duy Trinh và một số tuyến đường không tên, đường bê-tông trên địa bàn phường Hòa Hải đều nằm xen kẽ trong các khu dân cư, hằng ngày có hàng nghìn công nhân làm việc, cả làng nghề là một công trường lớn, ồn ã và bụi bẩn với những tiếng máy cắt đá, tiếng búa đập chát chúa cộng với tiếng động cơ ồn ào của những chiếc xe tải, xe ben chở đá từ bãi về xưởng... Khi được hỏi về công tác bảo vệ môi trường, phần lớn những người thợ làm việc ở đây đều nói rằng: Làm lâu rồi, có ai nhắc nhở gì đâu, nên hằng ngày cứ thế vô tư xả nước thải, bụi bặm không cần phải che chắn...

Thực tế, chuyện ô nhiễm quá mức về môi trường (tiếng ồn, nước thải) ở làng nghề đá Non Nước đã được báo động từ nhiều năm trước. Nhưng để giải quyết tận gốc các vấn đề này cần phải có kinh phí và các giải pháp mang tính bền vững. Vì vậy, thành phố cũng như quận Ngũ Hành Sơn đã và đang triển khai quy hoạch làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Dự án này nhằm sắp xếp, quy hoạch lại làng nghề với khu vực sản xuất vốn gây rất nhiều khói bụi ra khỏi cộng đồng dân cư, để bảo đảm môi trường sinh thái cho đời sống của người dân làng nghề và khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Đồng thời, sẽ hình thành một công viên có quy mô lớn để trưng bày sản phẩm của làng nghề. Song song với quá trình đó là nâng cao ý thức của người dân làng nghề trong việc bảo vệ môi trường, nhằm xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị.

Thực tế trong những năm qua, nhiều du khách khi đến làng đá mỹ nghệ Non Nước cũng nhận thấy thực trạng làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi này không chỉ ô nhiễm tiếng ồn, nguồn nước mà ô nhiễm cả môi trường du lịch. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng trong một lần đến nơi đây phải thốt lên rằng: “Ô nhiễm đến mức không thể chịu được!”. Và theo ông, môi trường như thế rất khó thu hút khách du lịch.

Chia sẻ với chúng tôi, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tâm sự: Trong các loại ô nhiễm ở làng đá Non Nước, ô nhiễm bụi có thể khắc phục đầu tiên và làm được hằng ngày, nhưng điều quan trọng là việc nâng cao ý thức cho người dân.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

;
.
.
.
.
.