.

Chủ động, tích cực phòng, chống bão lụt

.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, trong năm 2012 trên vùng Biển Đông nước ta sẽ có khoảng 12 - 15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động, nhiều hơn mức bình thường mọi năm, đặc biệt số lượng bão mạnh từ cấp 12 trở lên có thể có từ 5 - 7 cơn bão và cao điểm sẽ diễn ra khoảng từ tháng 9 - 12. Trước tình hình này, Báo Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) thành phố về công tác PCLB trong năm nay.

Bộ đội Biên phòng tham gia cứu hộ, cứu nạn bà con vùng lũ. 						Ảnh: NGUYỄN CẦU
Bộ đội Biên phòng tham gia cứu hộ, cứu nạn bà con vùng lũ. Ảnh: NGUYỄN CẦU

* P.V: Thưa đồng chí, trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã làm khá tốt công tác PCLB&TKCN trên biển. Vậy thành phố đã đúc kết được những kinh nghiệm gì từ thành công này?

- Đồng chí Phùng Tấn Viết: Nằm ở khu vực Trung Trung Bộ, nơi hằng năm xuất hiện khá nhiều cơn bão và ATNĐ, vì vậy công tác PCLB và giảm nhẹ thiên tai luôn được lãnh đạo thành phố xác định là một trong những công tác quan trọng và thường xuyên được chú ý, quan tâm chỉ đạo, rà soát bổ sung, tăng cường cho phù hợp với thực tế, đồng thời được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vào trong quy hoạch phát triển KT-XH, xây dựng kết cấu hạ tầng và các khu dân cư trong khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai. Ban chỉ huy PCLB&TKCN các ngành, các cấp được kiện toàn tổ chức và phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên; đồng thời có kế hoạch phối hợp đồng bộ, nhất là thành phố đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong việc ứng phó và khắc phục thiên tai.

Đặc biệt, phương châm “4 tại chỗ” được thành phố quán triệt sâu sắc đến tất cả các ngành, các địa phương, coi đó là trụ cột để đối phó và phòng chống thiên tai. Từ năm 2006 đến nay đã di dời 207 hộ dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phong, Hòa Nhơn... Thành phố đã phê duyệt chương trình bố trí dân cư tránh vùng thiên tai giai đoạn 2011-2015 và đang tích cực triển khai. Đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình PCLB, đê kè thủy lợi, nhằm tăng độ an toàn khi có mưa bão. Tổ chức đào tạo trên 1.600 thuyền trưởng, máy trưởng tàu đánh bắt xa bờ, trang bị 97 máy bộ đàm và gần 100 máy định vị vệ tinh, hỗ trợ nhiên liệu và 100% kinh phí bảo hiểm cho thuyền viên và ngư dân làm việc trên các tàu đánh cá của thành phố có công suất từ 50 CV trở lên; vận động ngư dân khai thác thủy sản trên biển theo mô hình tổ hợp tác để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Công tác dự báo thời tiết và thiên tai luôn được chú trọng đầu tư và hiện đại hóa, qua sự trang bị máy móc thiết bị thông tin hiện đại, nhờ vậy việc dự báo và cung cấp thông tin đến người dân nói chung và ngư dân nói riêng kịp thời và chính xác. Cùng với đó, công tác nâng cao năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và nhân dân địa phương luôn được chú trọng, nhất là trong việc phối kết hợp hoạt động đem lại kết quả tốt. Với những kết quả đó đã tạo sự yên tâm, tin tưởng của các thành phần kinh tế, nhà đầu tư đến SXKD tại thành phố.

* P.V: Từ những thành công này, thành phố áp dụng vào thực tiễn PCLB và giảm nhẹ thiên tai của năm 2012 và những năm đến là gì, thưa đồng chí?

- Đồng chí Phùng Tấn Viết: Ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương hoàn thiện các phương án, kế hoạch PCLB&TKCN; xây dựng kế hoạch và  phương án sơ tán dân ra khỏi vùng thiên tai bão, lụt, sạt lở đất, vùng hạ du các hồ nước, đặc biệt là 2 hồ Đồng Nghệ và Hòa Trung, đồng thời triển khai di dời các hộ dân sống ở vùng có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, lũ quét và xâm thực bờ biển đến nơi an toàn. Nâng cấp an toàn 2 hồ chứa nước lớn, trong đó hồ Hòa Trung đã củng cố an toàn một bước, hồ Đồng Nghệ cơ bản hoàn thành nâng cấp theo tiêu chuẩn lũ cực hạn. UBND thành phố đã ban hành phương án xử lý tình huống khẩn cấp về thiên tai, lụt bão của hai hồ Hòa Trung và Đồng Nghệ, phê duyệt quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa nước Đồng Nghệ. Cùng với tỉnh Quảng Nam tham gia xây dựng quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện trên sông Vu Gia. Đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình PCLB, đê điều, thủy lợi. Đã xây dựng mới 1.708m kè sông, 2.640m kè biển, diện tích đất rừng bao phủ đạt 59.899ha, tỷ lệ che phủ là 46%, xây dựng mới 8 nhà đa năng phòng tránh thiên tai và 64 mốc báo lũ tại các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai; xây dựng tổng quan các vùng ngập lũ, vùng nguy hiểm do bão, lở đất và lũ quét để chủ động trong ứng phó.

Công tác dự báo thời tiết và thiên tai tiếp tục được chú trọng đầu tư, hiện đại hóa. Tại thành phố hiện có 5 trạm đo: 1 trạm khí tượng, 1 trạm hải văn, 1 trạm thủy văn, 2 trạm đo mưa. Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đã phối hợp với Chi nhánh Viettel tại Đà Nẵng, các ban, ngành và địa phương lắp đặt thí điểm 10 trạm trực canh cảnh báo sóng thần, lập phương án ứng phó, sơ tán sóng thần trên địa bàn và tổ chức diễn tập ứng phó và sơ tán sóng thần tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà vào năm 2011. Thành phố đã và đang triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH, thành lập Ban chỉ đạo cấp thành phố ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện “Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và nước biển dâng thành phố Đà Nẵng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”; chỉ đạo hướng dẫn việc điều phối, lồng ghép các chương trình, kế hoạch, nguồn lực của các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan; chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.

Đặc biệt, ngày 19-9-2012 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1443/TTg-QHQT phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên theo chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC). Trong đó, thành phố Đà Nẵng có 2 dự án là dự án môi trường và dự án xây dựng đê kè Mân Quang ứng phó với BĐKH, bảo vệ khu đô thị Mân Quang, Nại Hiên Đông, khu trú bão Thọ Quang cùng với các cơ sở hạ tầng quan trọng của quận Sơn Trà thuộc vịnh Đà Nẵng.

* P.V: Hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển là ngành nghề thường bị tác động trực tiếp và nhanh nhất trước bão lũ và thiên tai, tuy nhiên có một thực tế là một bộ phận ngư dân còn chưa ý thức hết vấn đề bảo vệ chính mình. Thành phố có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này, thưa đồng chí?

- Đồng chí Phùng Tấn Viết: Đây là vấn đề tồn tại mà lâu nay thành phố rất quan tâm khắc phục và cho đến hôm nay có thể nói mọi chuyện đã có chuyển biến tích cực hơn. Qua báo cáo của Bộ đội Biên phòng thành phố, đã phối hợp với Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải khu vực II xử lý và cứu hộ, cứu nạn trong năm 2011 là 58 vụ gặp nạn trên vùng biển thuộc phạm vi quản lý, phần lớn là các phương tiện từ nhiều địa phương khác nhau, trong đó có 132 người và 45 phương tiện gặp nạn, chìm 22 phương tiện và hư hỏng 19 phương tiện khác. Để giảm thiểu đến mức thấp nhất về thiệt hại người và tài sản, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Thứ nhất, chỉ đạo Sở NN&PTNT tập trung tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật cho tàu cá, tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai cho thuyền viên. Thứ hai, Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm tra về bảo hiểm thuyền viên, về bảo đảm trang thiết bị an toàn trên tàu thuyền như máy thông tin liên lạc, phao cứu sinh… Kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền trước khi xuất bến, bắt buộc tất cả tàu cá khi khai thác trên biển phải thông báo về tần số liên lạc tàu mình, báo cáo chính xác về vị trí, vùng hoạt động, tình hình của tàu cho cơ quan chức năng biết, theo đúng Quy chế tổ chức đánh bắt hải sản trên biển và Quy chế quản lý thông tin liên lạc đối với tàu cá hoạt động trên biển đã được UBND thành phố ban hành. Thứ ba, quy định bắt buộc đối với tất cả thuyền trưởng, thuyền viên khi ra biển đều phải mặc áo phao, trang bị phương tiện liên lạc đầy đủ. Thứ tư, năm 2012, thành phố đã phê duyệt đề án “Nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản trên địa bàn thành phố đến năm 2020”. Với những biện pháp trên, trong năm qua, tình hình tổn thất trên biển của tàu thuyền do thiên tai đã giảm rất nhiều, năng lực phòng tránh thiên tai của tàu thuyền Đà Nẵng tăng cường tốt, kể cả con người và phương tiện.

Hiện nay, thành phố có gần 1.400 tàu thuyền nhưng khu tránh bão Thọ Quang chỉ đủ neo đậu 500 tàu, vì vậy, UBND thành phố đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT đầu tư thêm một khu tránh bão nữa để bảo đảm 100% tàu thuyền có nơi tránh bão an toàn. Hy vọng với nỗ lực này, ý thức của ngư dân sẽ được cải thiện đáng kể, cũng như những thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ giảm mạnh trong thời gian đến.

* P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

THANH SƠN thực hiện

;
.
.
.
.
.