.

Sống trong vùng sạt lở

.

Không chỉ có sông Yên mà hầu như các sông trên địa bàn thành phố đều có nguy cơ sạt lở bờ sông. Mặc dù thời gian qua, thành phố thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, chống sạt lở nhưng vẫn còn hàng trăm hộ dân ven các sông đang có nguy cơ bị mất đất sản xuất, đe dọa đến tính mạng và của cải.

Một đoạn sông Túy Loan đã được xây kè chắc chắn.
Một đoạn sông Túy Loan đã được xây kè chắc chắn.

Hiện sông Yên bị sạt lở khoảng 4.000m, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân thuộc các thôn Thạch Bồ, La Châu, An Trạch, Bắc An, Cẩm Toại Đông, Cẩm Nê của các xã Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Khương. Ngoài sông Yên, các sông trên địa bàn thành phố như sông Cu Đê, sông Túy Loan, sông Quá Giáng, sông Cầu Đỏ, sông Vĩnh Điện… cũng đang ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân thuộc các thôn Giàn Bí, Nam Yên, Hội Yên, Phò Nam (xã Hòa Bắc); Trường Định, Quan Nam (xã Hòa Liên); thôn Tây An (xã Hòa Châu); các hộ dân thuộc xã Hòa Phú, Hòa Nhơn và Hòa Phong…

Việc dòng sông bên lở, bên bồi là quy luật tự nhiên. Song, gần đây hiện tượng sạt lở bờ sông đã và đang diễn ra với tốc độ và mức độ nhanh hơn. Ông Lê Duy Vọng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn thành phố, phân tích: Một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông là do con người phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp, trồng rừng kinh tế, khai thác gỗ, làm thủy điện, giao thông… gây giảm khả năng điều tiết nước, điều tiết lũ của rừng. Không những thế, việc khai thác cát, sỏi, xây dựng công trình, vận hành xả lũ không hợp lý của các công trình thủy điện… cũng làm cho bờ sông sạt lở. Ngoài ra, các nguyên nhân khách quan khác như việc giảm lượng mưa mùa khô, tăng lượng mưa mùa lũ, cường độ mưa tăng… cũng tạo nên hiện tượng sạt lở dòng sông ngày càng mạnh hơn. Chỉ tính trong hơn 10 năm trở lại đây, trên các sông Yên, Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, sông Hàn… đã xuất hiện đến 4 đợt lũ đặc biệt lớn (1998, 1999, 2007, 2009).

Tình hình sạt lở bờ sông đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của nhân dân. Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho thành phố thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, chống sạt lở sông như xây dựng kè cứng (đối với đô thị và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng), kè mềm kết hợp trồng cỏ Vetiver, tre để tạo cảnh quan, môi trường. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến năm 2012, thành phố đã đầu tư xây dựng mới 6 nhà đa năng phòng tránh thiên tai tại các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai; xây dựng 64 mốc báo lũ để cảnh báo mức độ ngập lụt của địa phương… Đầu tư xây dựng mới 12.690 kè sông. Trong đó, đã xây dựng 2.717m kè sông Cu Đê, 2.364m kè sông Túy Loan, 6.166m kè sông Cẩm Lệ ; 903m kè sông Vĩnh Điện; 538m kè sông Quá Giáng. Hai bờ sông Hàn được kè cứng bảo vệ bờ sông hoàn chỉnh… Riêng sông Yên, dự kiến sẽ xây kè mềm, trồng tre trên đỉnh kè với chiều dài 4.000m trong thời gian tới.

Do nguồn kinh phí bố trí hằng năm để thực hiện các chương trình mục tiêu còn ít và thiếu, vậy nên theo ông Lê Duy Vọng, thành phố chỉ mới tập trung vào kè bảo vệ các vị trí sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư tập trung. Các vị trí còn lại, trước mắt sẽ cho cắm biển cảnh báo và có các phương án di dời dân cư khi có mưa lớn. Còn về lâu dài vẫn phải thực hiện các biện pháp xây kè bảo vệ.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, hệ số sạt lở bờ sông của hệ thống sông trên địa bàn thành phố tương đối lớn, trên 50%. Vì vậy, thành phố xác định 20 dự án kè sông sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2012-2025. Trong đó, sông Cu Đê 4 dự án, sông Túy Loan 2 dự án, sông Yên 1 dự án, sông Cầu Đỏ 2 dự án, sông Cẩm Lệ 2 dự án, sông Vĩnh Điện 3 dự án, sông Quá Giáng 3 dự án và sông Cổ Cò 2 dự án. Tổng chiều dài bờ sông cần phải được bảo vệ, chống xói lở là 74.400m. Trong đó, phân theo loại hình thức công trình: kè mềm 2.000m, kè mềm trồng cỏ Vetiver hoặc tre trên đỉnh 11.500m, kè mềm kết hợp trồng cỏ Vetiver 24.000m, kè cứng 36.900 km…

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.