.

Sống trong vùng sạt lở - Kỳ 1: Sông Yên bao giờ mới yên?

.

Do nhiều nguyên nhân, nhiều đoạn dọc bờ các con sông trên địa bàn thành phố thường bị sạt lở khi mùa mưa đến. Và cư dân sống ven sông luôn lo lắng bởi nếu có lụt lớn thì nguy cơ hoa màu và nhà cửa có thể bị cuốn trôi theo dòng nước...

Anh Võ Văn Viên đang chỉ tay vào các bụi tre bên bờ sông Yên bị cuốn trôi tháng trước.
Anh Võ Văn Viên đang chỉ tay vào các bụi tre bên bờ sông Yên bị cuốn trôi tháng trước.

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang ngày càng trở nên trầm trọng, người dân đang “kêu cứu” vì nguy cơ mất đất, mất nhà. Có mặt tại thôn Thạch Bồ trong ngày mưa gió đầu tháng 11, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh những vạt đất dài dọc bờ sông Yên đã bị sạt lở, còn giữa dòng sông, những bụi tre vẫn còn ngổn ngang. Hai bên bờ sông, những dòng nước lũ khoét sâu, ăn vào đất sản xuất nông nghiệp của bà con, tạo thành những mảng vòng cung nham nhở.

Anh Võ Văn Viên, Trưởng thôn Thạch Bồ cho biết, những trận lụt của các năm gần đây, tùy theo mức độ lớn hay nhỏ, cũng gây ảnh hưởng nhất định đến đất sản xuất và nhà cửa của bà con. Ngay như trận mưa to trong tháng 10 vừa qua đã khiến các bụi tre bên bờ sông Yên này bị cuốn theo dòng nước. Anh Viên cho biết: “Tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, những hàng tre giữ đất, giữ làng thưa thớt hơn, dòng sông sâu hơn, rộng hơn. Ước tính đất sản xuất nông nghiệp của bà con do sạt lở đã mất khoảng 5 hec-ta. Bà con đang lo nếu như các cấp chính quyền không xây kè dọc hai bên bờ sông thì nguy cơ những hàng tre sẽ bị xóa sổ và ruộng vườn, nhà cửa có nguy cơ mất luôn”. Nói về đoạn sông sạt lở vì trận mưa trong tháng 10 vừa qua, bác Võ Lạng (58 tuổi), một người dân trong thôn, kể lại: “Lúc đó tôi đang ở trong nhà, nghe bà con kêu “tre đổ”, tôi liền chạy ra gần đến bờ sông thì nghe tiếng “re re” từ đằng xa và “ầm” một tiếng như sấm nổ, những bụi tre cứ đứng thẳng như vậy mà trôi ra giữa dòng, không kịp đổ xuống.  Hai ngày sau, đoạn đất gần 1,5m ngay dưới chân những gốc tre đó cũng đổ sụp xuống luôn”.

Theo bà con trong thôn, những năm trước đây không có hiện tượng sạt lở nhiều như bây giờ. Còn nay, cứ đến mùa này, bà con lại lo nguy cơ không còn đất sản xuất. Bởi cứ sau mỗi trận lũ về, đất đai bị mất càng nhiều, những diện tích đất còn lại thì trở nên bạc màu, chỉ trơ toàn đất sét, bà con phải bỏ nhiều công sức đi xúc đất từ những vùng bồi đổ sang những vùng lở mới trồng màu được như bây giờ. Hầu hết bà con đều sống dựa vào nông nghiệp là chính nên nhiều khi “vụ được, vụ mất” rất vất vả…

Đi một vòng quanh thôn, chúng tôi thấy để chống chọi với bão lũ, nhà nào cũng che chắn và chằng cẩn thận các bao cát lên mái nhà. Còn xung quanh bờ sông, nhiều mảnh đất hoa màu bị bỏ hoang. Trao đổi với chúng tôi, nhiều gia đình cho biết mùa này bà con không dám trồng hoa màu nhiều, bởi nếu lũ lụt tràn về coi như “trắng tay”. Những năm trước bà con trồng 3-4 lớp tre để giữ đất, giữ làng mà đến giờ chỉ còn lại 1-2 hàng tre. Không biết có giữ nổi đất nữa không khi trong sổ đỏ, đất đai còn đó nhưng thực tế đất của nhiều gia đình đã xuống sông?

Thực tế trên, theo bà con một phần do hậu quả của vấn nạn khai thác cát cách đây vài năm trước để lại, một phần khi xây cầu sông Yên, do mặt đường cao hơn các nhà dân nên khi lũ về, dòng nước không kịp thoát, trở nên hung hãn và đánh tan đất 2 bên bờ sông. Và như thế, cứ đến mùa lũ hằng năm, bà con thôn Thạch Bồ lại sống trong âu lo, thấp thỏm...

(Còn nữa)

Bài và ảnh: THANH TÌNH
 

;
.
.
.
.
.