.
Thủy điện Sông Tranh 2 sau động đất 4,7 độc Richter:

Sẽ ngừng tích nước vĩnh viễn nếu không an toàn

.

(ĐNĐT) - Ngày 16-11, Bộ  trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng các chuyên gia của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học - Công nghệ đến kiểm tra công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 sau trận động đất 4,7 độ richter và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Trà My. Tại đây, có một số ý kiến đặt ra là trận động đất vào hồi 14 giờ 24 ngày 15-11 là 4,7 hay 6,5 độ richter?

16-11 dong dat Song Tranh 2_3.jpg
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng các chuyên gia kiểm tra đường hầm bên trong đập thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Thanh Tuyền

Mâu thuẫn số liệu động đất

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Hải, Trưởng ban quản lý  dự án thủy điện 3 cho biết, ngay sau khi động đất xảy ra, Ban quản lý dự án thủy điện 3 đã tiến hành kiểm tra các hạng mục công trình như đập dâng, đập tràn, đập phụ và không có phát hiện hiện tượng bất thường nào, nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Riêng khu quản lý vận hành trên đỉnh đập và các nhà dầu xuất hiện một số vết nứt giữa tường xây gạch và trụ bê tông.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Thiết kế Điện1, khẳng định công trình đảm bảo thỏa mãn các tiêu chuẩn thiết kế; quá trình thi công, nghiệm thu theo đúng quy trình. Khi công trình đưa vào vận hành, đập hoàn toàn thỏa mãn các tải trọng thiết kế, đặc biệt thỏa mãn tải trọng động đất cao hơn 43%, đảm bảo kháng chấn 220cm/s2 (theo thiết kế là 150cm/s2). Ở mức 161m, công trình chịu được gia tốc cực đại 350cm/s2 (tương đương 6,5 độ richter, cấp 9 theo thang MSK64). Hiện nay, công trình an toàn, không có gì bất thường.

PGS.TS Phạm Hữu Sy, giảng viên trường Đại học Thủy lợi, cũng khẳng định không có điều gì bất thường ở đập thủy điện Sông Tranh 2 sau động đất 4,7 độ richter. Theo PGS.TS. Sy, theo số liệu của Viện Vật lý địa cầu là động đất hôm 15-11 là 4,7 độ richter, nhỏ hơn động đất thiết kế là hợp lý. Tuy nhiên, PGS.TS Sy cũng cho rằng giữa số liệu của Viện Vật lý địa cầu và số liệu mà máy đo gia tốc đặt tại thân đập Sông Tranh 2 có mâu thuẫn vì máy đo gia tốc đặt tại đập đo được gia tốc nền là 268cm/s2, tương đương 6,5 độ richter, theo thang MSK64 là cấp 9. Nếu thực sự xảy ra động đất 6,5 độ richter ở Bắc Trà My thì phải có hiện tượng phá hủy công trình, trong khi ở đây không có gì bất thường(?!).

Giải thích về vấn đề này, TS Lê Tự Sơn, chuyên gia địa chấn (Bộ KH-CN) cho rằng, thông số máy đo gia tốc đặt ở đập Sông Tranh 2 có số liệu cao hơn vì chấn tâm nằm trong khu vực lòng hồ, khoảng cách của chấn tâm với đập gần hơn so với các trận động đất trước nên thông số máy đo gia tốc ở đập cao hơn trước.

Nếu không an toàn sẽ dừng tích nước vĩnh viễn

Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay quan tâm lớn nhất vẫn là an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2. Vừa qua, các bộ khẳng định đập vẫn an toàn, tỉnh cũng phần nào an tâm. Tuy nhiên, trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay xảy ra hôm 15-11 làm 48.000 hộ của 5 huyện trong vùng động đất, nhất là huyện Bắc Trà My rất lo lắng.

16-11 dong dat Song Tranh 2_4.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải  kiểm tra công trình công cộng, nhà dân bị nứt sau trận động đất mạnh 4,7 độ Richter. Ảnh: Thanh Tuyền

"Máy đo gia tốc đặt tại đập Sông Tranh 2 đo là 268cm/s2 tương đương 6,5 độ richter, nhưng thông báo của Viện Vật lý địa cầu là 4,7 độ richter thì nhường lại cho các nhà khoa học phản biện. Chúng tôi tiếp tục đề nghị các bộ, ngành liên quan khẳng định lại đập Sông Tranh 2 có an toàn hay không và đề nghị tiếp tục không cho tích nước", ông Thuy nói.

Ông Thu đặt câu hỏi: “Trước đây các nhà khoa học nói động đất 4,6 độ richter hôm 22-10 là hết cỡ, nhưng nay lại động đất lên 4,7 độ richter, vậy sau này có còn động đất nào lớn hơn nữa hay không? Liệu có động đất vượt ngưỡng cực đại là 5,5 độ richter hay không và giải bài toán này như thế nào?”.

Tổng Giám đốc EVN  Phạm Lê  Thanh cho biết, các cơ quan chức năng đều khẳng định đập an toàn nhưng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, chính phủ yêu cầu chưa tích nước và EVN thực hiện nghiêm chỉ đạo này. Hiện nay, EVN vận hành hồ chứa đảm bảo đúng chỉ đạo, nước về bao nhiêu thì xả qua các tổ máy phát điện bấy nhiêu để đảm bảo mực nước hồ ở mực nước chết.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng phía hạ du thủy điện sông Tranh 2, A Vương… có nhiều diện tích cần nước tưới trong mùa khô, nếu tiếp tục thực hiện hạ mực nước hồ xuống thấp thì lo mùa đến mùa khô đến vùng hạ du sẽ khô hạn(?!). Ông Thanh cũng đề nghị Bộ KH-CN ngoài 5 trạm quan trắc đang triển khai thì cần lắp thêm 2 trạm quan trắc đặt tại hai vai đập để quan trắc động đất.

16-11 dong dat Song Tranh 2_6.jpg
Lượng nước thấm được đưa ra ngoài thân đập thủy điện Sông Tranh 2 bằng đường ống. Ảnh: Thanh Tuyền

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, động đất một mặt không lường hết được, mặt khác gây thiệt hại kinh tế, gây tâm lý hoang mang lo lắng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, vì vậy, Bộ Xây dựng coi nhiệm vụ an toàn cho người dân là nhiệm vụ số 1. Sau khi kiểm tra, có thể là cho tích nước nếu an toàn, cũng có thể ngừng tích nước vĩnh viễn nếu không an toàn vì an toàn cho người dân là trên hết.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện các công việc lắp ráp, sửa chữa các trạm quan trắc kiểm tra an toàn đập, lắp đặt thiết bị quan trắc động đất, quan trắc gia tốc nền,…vì hiện nay thiết bị chưa đảm bảo, cần phải thay thế ngay; đề nghị Bộ KHCN, Viện Vật lý địa cầu khẩn trương mời chuyên gia nước ngoài về đánh giá động đất. Sắp đến, những công trình khác Bộ cũng yêu cầu khảo sát động đất trước khi xây dựng công trình; đề nghị Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng tiếp tục cử đoàn vào khảo sát an toàn đập thủy điện Sông tranh 2.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết thêm, hiện Bộ Xây dựng đã mời chuyên gia về động Đất của Nga về  nghiên cứu động đất ở Bắc Trà My. Sắp  đến, Bộ cũng mời chuyên gia của Nhật tiếp tục  đến nghiên cứu động đất tại đây.

Đề nghị mời chuyên gia nước ngoài về nghiên cứu động đất ở Sông Tranh 2

Ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết qua đi thực tế, thiệt hại trực tiếp do động đất gây ra chưa nhiều nhưng tâm lý bất an trong nhân dân thì rất lớn vì phạm vi động đất ngày càng rộng, cường độ ngày càng mạnh. Vì thế, phải làm sao khắc phục ngay để dân yên tâm. An toàn của người dân phải đặt lên trên an toàn thủy điện Sông Tranh 2.

Ông Hải đề nghị  Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ KH-CN khẩn trương tổ  chức mời các chuyên gia quốc tế, chuyên gia có uy tín đến để tìm “lời giải” cho động đất ở Sông Tranh 2 vì ở đây có quá nhiều bất thường; rà soát độ an toàn của toàn bộ hệ thống thủy điện hiện nay…

Thanh Tuyền

;
.
.
.
.
.