.
VẤN ĐỀ CỬ TRI QUAN TÂM

Chống ngập, phải quyết liệt hơn

.

Liên tiếp tại các kỳ họp thứ 3 và 4 của HĐND thành phố khóa VIII, vấn đề chống ngập được các đại biểu chất vấn, và đã được thông qua các Nghị quyết 23 và 26/NQ-HĐND. Thời gian qua, UBND thành phố và các ngành chức năng nỗ lực triển khai quyết liệt các biện pháp chống ngập. Đến nay, nhiều điểm ngập được xóa, tình trạng ngập kéo dài đã giảm, nhưng cũng phát sinh các điểm ngập mới.

Thi công mở tuyến thoát nước, chống ngập khu vực đường Hà Thị Thân, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.
Thi công mở tuyến thoát nước, chống ngập khu vực đường Hà Thị Thân, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.

Xóa 2 lại tăng 1

Khảo sát mới đây của Sở Xây dựng cho biết, hiện thành phố có 91 điểm ngập nằm trong kế hoạch đầu tư kinh phí để xử lý. Các đơn vị chức năng đã xóa được 16 điểm ngập nhưng phát sinh thêm 8 điểm ngập mới. Nguyên nhân của tình trạng này là hạ tầng đô thị một số nơi xuống cấp, thiếu hệ thống thoát nước, một số dự án thi công cầm chừng do thiếu vốn và một số khu vực chưa được nghiên cứu quy hoạch, không có hệ thống thoát nước....

Năm 2012, khu vực quận Hải Châu xóa 5 điểm ngập là khu vực hồ Đầm Rong, đường Trương Chí Cương - Nguyễn Xuân Nhĩ, đường 30 tháng 4 đến số nhà 413 Núi Thành, ngã ba Núi Thành - đường Cách mạng Tháng Tám; nút giao thông Nguyễn Tất Thành - đường 3 tháng 2. Địa bàn quận Thanh Khê xóa được 4 điểm là tại tuyến đường 3,5 mét khu dân cư Thanh Lộc Đán - tổ 28 phường Thanh Khê Tây, nút giao thông Hoàng Hoa Thám - Lê Duẩn, đường Thái Thị Bôi, đường Hà Huy Tập. Quận Sơn Trà xóa được các điểm ngập đường Lý Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ - Ngô Quyền và kiệt 85 đường Phó Đức Chính. Quận Ngũ Hành Sơn xóa ngập khu vực phía bắc đường Phan Tứ và khu vực tổ 5 Bình Kỳ, phường Hòa Quý. Quận Liên Chiểu xóa điểm ngập tại tổ 41 phường Hòa Minh. Quận Cẩm Lệ xóa ngập dọc theo tuyến đường Cách mạng Tháng Tám. Đặc biệt, điểm ngập tại tổ 41 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu khá sâu, 17 nhà dân thường bị ngập từ 1 - 2 mét mỗi khi có mưa lớn. Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, UBND quận Liên Chiểu đã triển khai khắc phục được điểm ngập này, các kiệt hẻm tại đây được nâng cao trình lên 0,5 mét bằng đường bê-tông xi-măng, xây dựng tuyến thoát nước 0,6 x 6 mét, dài 125 mét và đấu nối vào hệ thống thoát nước vỉa hè phía tây Bến xe Trung tâm thành phố.

Sở Xây dựng cũng cho biết, do khó khăn về kinh phí nên việc chống ngập trong năm nay chủ yếu tập trung xử lý tại trung tâm thành phố, còn lại là nạo vét, sửa chữa nhỏ và đấu nối thoát nước. Đến cuối năm nay có thêm 16 điểm được xóa ngập, xử lý ngập đối với 19 điểm khác.

Nhìn chung, nhiều vị trí xóa ngập đã phát huy hiệu quả. Những phản ánh gần đây về thực trạng nguy cấp và mất tác dụng của hệ thống chống ngập là chưa đúng thực tế. Bởi khi mưa với tần suất và lượng mưa lớn, nước chảy tràn ra đường và rút dần qua các tuyến cống thoát.

Tiếp tục năm sau

Hiện có 4 điểm ngập úng tại các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang chưa được cấp vốn đầu tư; 7 điểm ngập khác đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa thi công; 12 điểm ngập có phương án chống ngập nhưng chưa có chủ trương thực hiện; 21 điểm ngập khác Sở Xây dựng đang nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý”

(Nguồn: Sở Xây dựng)

Tại báo cáo kết quả trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khóa VIII sắp tới, Sở Xây dựng cho biết nhiều dự án, công trình chống ngập vẫn còn chờ kinh phí và giải pháp đồng bộ.

Năm 2012, dự kiến nguồn kinh phí chống ngập trên 532 tỷ đồng, trong đó 11 điểm ngập có quy mô đầu tư dưới 6 tỷ đồng; 6 điểm ngập có vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng và 55 điểm ngập khác được dự toán đầu tư 325,35 tỷ đồng. Riêng đối với 6 dự án có vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng với tổng vốn 188,44 tỷ đồng thì dự án chống ngập khu vực hồ Đầm Rong đã ngốn 88 tỷ đồng và khu vực đầu tuyến Nguyễn Tất Thành - đường 3 tháng 2 chiếm gần 70 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư chống ngập chủ yếu huy động các nhà thầu ứng vốn trước để thi công và hoàn trả vốn trong năm 2013. “Việc huy động vốn từ doanh nghiệp rất khó khăn bởi đơn vị thi công vừa thiếu vốn vừa thiếu những quy định, cam kết cụ thể về hoàn trả vốn và thanh quyết toán công trình nên không mặn mà đầu tư”.

Một số dự án chống ngập khác cần phải chờ đầu tư xử lý đồng bộ như khu dân cư Hồng Phước (phường Hòa Khánh Bắc) chờ thực hiện giải tỏa đền bù để các đơn vị thi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Đối với các điểm ngập tại các dự án khu tái định cư Hòa Liên 3 và 4 cũng chờ các dự án hạ tầng phụ cận thi công. Nhiều dự án chống ngập khác cũng chờ thực hiện theo tiến độ thi công và nguồn vốn giải ngân từ dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên.

Ông Phạm Việt Hùng cho rằng, để chống ngập căn cơ và đạt hiệu quả cao thì công tác lãnh đạo, điều hành phải được quy về một đầu mối. Ông Hùng đề xuất UBND thành phố sớm thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống ngập úng để kịp thời chỉ đạo, xử lý. Hiện Công ty Thoát nước và xử lý nước thải trực thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường nên chồng chéo trong quản lý, điều hành. Ông Hùng cũng cho rằng nên chuyển công ty này về thành phố quản lý điều hành trực tiếp.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.