.

Vì sao Đà Nẵng được thế giới công nhận là thành phố có hàm lượng cacbon thấp nhất?

.

(ĐNĐT)- Vì sao Đà Nẵng được công nhận là 1 trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng cacbon thấp nhất? Đà Nẵng sẽ được lợi gì khi đạt được danh hiệu này? Trao đổi với Báo Đà Nẵng Điện tử, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cho biết:

s
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng

- Tại hội nghị năng lượng Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 44 diễn ra tại Washington vừa qua, Đà Nẵng đã chính thức được thế giới công nhận là 1 trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng cacbon thấp nhất.

Đây là vinh dự cho thành phố, đồng thời sẽ giúp Đà Nẵng triển khai xây dựng thành công đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” vào năm  2020, nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho thành phố trong thời gian tới.

* Thành phố Đà Nẵng đã làm được những gì để được thế giới công nhận là một trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng cacbon thấp nhất, thưa ông?

Để có được danh hiệu này, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã có những biện pháp nỗ lực giảm giải 12.000 tấn cacbon vào môi trường thông qua các dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, thành phố còn đặt mục tiêu đảm bảo đạt được tất cả các tiêu chí thành phố môi trường, như 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý; 70% chất thải rắn được tái chế; 25% lượng nước được tái sử dụng trong giai  đoạn từ năm 2016 đến năm 2020.

Ngoài ra, vào tháng 6-2012, Đà Nẵng đã đệ trình 4 dự án tiêu biểu nhằm hạn chế thải khí cacbon vào môi trường tự nhiên bao gồm: dự án sử dụng xe đạp điện, tàu điện ngầm, giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng mới, xây dựng hệ thống xe buýt nhanh.

Và tháng 8-2012, các cơ quan của APEC đã tiến hành kiểm tra khảo sát thực tế các đề án tại Đà Nẵng và đều đánh giá tốt, trước khi có quyết định công bố Đà Nẵng lọt vào danh sách 1 trong  20 thành phố trên thế giới có hàm lượng cacbon thấp nhất.

* Vậy khi được công nhận thành phố có hàm lượng cacbon thấp nhất, Đà Nẵng sẽ có được những lợi ích gì?

- Được thế giới công nhận là thành phố có hàm lượng cacbon thấp, Đà Nẵng sẽ được Quỹ Tài nguyên Môi trường APEC hỗ trợ triển khai mô hình “Thành phố hàm lượng cacbon thấp” với 4 đặc trưng cơ bản: giải quyết tình trạng thiếu điện, chú trọng phát triển trung tâm du lịch thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ tiến tiến để bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, giảm thiểu lượng cacbon thải ra môi trường. 

Việc đạt được danh hiệu này, Đà Nẵng sẽ nhận được khoản tài trợ 600.000 USD từ Ngân hàng Thế giới cho các dự án nghiên cứu, đánh giá nỗ lực cải thiện môi trường.

* Như ông nói, đây là vinh dự nhưng cũng là thách thức cho thành phố Đà Nẵng. Vậy, ông đánh giá như thế nào về thực trạng môi trường ở Đà Nẵng hiện nay?

- So với các địa phương khác thì môi trường Đà Nẵng được đánh giá là khá tốt. Tuy nhiên, để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường ở một số "điểm nóng" trên địa bàn, chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm. Cụ thể như môi trường đất, cần thêm đài hỏa táng, giảm địa táng để làm sạch đất. Rồi phải có nhà máy tái chế rác. Đây là vấn đề nan giải, bởi rác thải, đặc biệt rác thải rắn, có nguy cơ gây hại rất lớn. Chất thải rắn nguy hại của các cơ sở công nghiệp cũng chưa được thu gom và xử lý đúng yêu cầu.

Cây xanh trên đường Bạch Đằng, Đà Nẵng.
Cây xanh trên đường Bạch Đằng, Đà Nẵng.

Mỗi năm, 21 bệnh viện ở tuyến quận huyện trở lên ở Đà Nẵng thải ra khoảng 1.659 tấn (chưa kể các cơ sở y tế nhỏ khác), trong đó có khoảng 16% chất thải nguy hại, nhưng đến nay vẫn chưa được quản lý tốt. Chỉ có một lượng nhỏ xử lý bằng lò đốt.

Ngoài ra, hiện nguồn nước thải từ các KCN, khu chế xuất chưa được thu gom tốt, chưa đồng bộ, như KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang...

Về môi trường không khí, các nhà máy thải khí độc vẫn chưa được xử lý mạnh tay, rồi những dự án triển khai làm bụi trên các tuyến đường khiến người dân bức xúc. Chúng tôi xem đây là những nhiệm vụ trọng tâm sẽ giải quyết cơ bản trong năm 2012 và xử lý triệt để vào năm 2015.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng:

“Những năm qua, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân thành phố, chúng ta đã giải quyết được những việc cơ bản về ảnh hưởng của môi trường đất, môi trường không khí và môi trường nguồn nước. Đối với Đà Nẵng, môi trường đất về cơ bản đã được giải quyết khá tốt, đó là thu gom rác thải rắn tốt, đã lập được đài hỏa táng…Riêng môi trường không khí, Đà Nẵng được đánh giá là trong lành, điều này được Trạm quan trắc không khí tự động thông qua…”

Trọng Hùng (thực hiện)

;
.
.
.
.
.