.

Chuyện xe rác, thùng rác

.

Đà Nẵng đang hướng đến “Thành phố môi trường” trong tương lai, quá trình thu gom, xử lý rác thải nên được đặt lên hàng đầu trong nhiệm vụ xử lý ô nhiễm. Chuyện xe rác, thùng rác cứ ngỡ “biết rồi, khổ lắm nói mãi!” nhưng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định.

Một xe thu gom rác trước Ga Đà Nẵng vào giờ cao điểm, khiến nhiều người phải phóng xe qua thật nhanh.
Một xe thu gom rác trước Ga Đà Nẵng vào giờ cao điểm, khiến nhiều người phải phóng xe qua thật nhanh.

Khổ với rác

Hiện thành phố có gần 80 điểm trung chuyển tập kết rác thải, sau đó thu gom lên xe rác và chuyển về bãi rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu. Các điểm trung chuyển này nằm rải rác khắp thành phố, ngoài những điểm đặt tương đối hợp lý thì vẫn tồn tại nhiều vị trí trạm trung chuyển gây nhiều “tranh cãi”. Được đặt ở đầu các hẻm hoặc ở các khu đất trống thuộc khu dân cư Vũng Thùng, Khu công nghiệp An Đồn, đường Trần Hưng Đạo, đường Nguyễn Tri Phương, đường Ngô Quyền, đường Phạm Văn Đồng, chợ  Hòa Khánh, Công viên 29-3…, quá trình gom rác ở những điểm trung chuyển này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người dân và làm mất mỹ quan đô thị. Trước khách sạn 5 sao Hoàng Anh Plaza và khu căn hộ Thạc Gián ở đường Hàm Nghi cũng có một bãi tập kết rác tương tự. Ở đây có trên 10 thùng rác được xe ba gác thu gom từ các con hẻm, hộ dân gần đó ra nằm chờ... xe rác. Điều đáng nói ở đây là bàu Thạc Gián, nơi vui chơi thể dục, câu cá giải trí của người dân, 5 quầy báo thu hút một lượng người đọc lớn hoạt động từ sớm đến tối. Thế nhưng cứ mỗi lần xe chở rác đến là du khách, người dân bịt mũi kêu trời vì không chịu nổi mùi tanh bao trùm, không khí đặc quánh mùi hôi thối. Chị Ngọc, chủ một quầy báo cho hay: “Ế ẩm lắm, những hôm có gió còn có khách ngồi đọc báo uống nước, còn không họ bỏ đi ngay khi thấy xe rác đến”.

Phương thức chuyển rác từ thùng rác lên xe cuốn ép thực hiện tại các đường phố vừa không bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa gây mất mỹ quan… Theo một xe rác trên đường Lê Lợi, chúng tôi mới thấy bộc lộ nhiều hạn chế trong thu rác từ thùng lên xe. Tầm 16 giờ 30 phút, một xe rác chạy hướng đường Đống Đa qua đường Lê Lợi đến điểm có 3 thùng rác cạnh Trường THPT Phan Châu Trinh. Hai công nhân lần lượt đẩy thùng đến xe hệ thống thủy lực nâng thùng đổ rác vào xe, 2 trong 3 thùng nước chảy ra xối xả, bắn ra tung tóe khắp cả đường, khiến nhiều người đi đường bịt mũi phóng đi. Một công nhân nhanh chóng lấy chổi quét nước kèm theo rác thừa rơi dưới mặt đường vào lề. Xe lăn bánh, nước trên xe cứ liên tục nhễu xuống mặt đường, rất phản cảm, khiến nhiều người bức xúc, nhất là đến các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông đang hoạt động trong giờ cao điểm. Hơn nữa khi xe chạy thùng xe không đậy kín, vì vậy xe chạy đến đâu mùi hôi tỏa ra giữa phố xá đông người.

Chuyện thùng rác cũng gây không ít phiền phức cho người dân cũng như công nhân Công ty Môi trường đô thị. Nhiều nơi thùng rác nghiêng ngả do người dân quăng mạnh rác vào thùng, rác đổ ra ngoài. Khắc phục tình trạng này, công ty đã thiết kế những bệ đỡ có trụ cố định, tuy nhiên số lượng chưa thể đáp ứng hết mấy ngàn thùng rác hiện có. Nhiều người dân vì lợi ích cá nhân đã tự ý di chuyển thùng rác, hoặc làm hỏng. Hậu quả là rác vứt ngổn ngang, công nhân môi trường phải xách rác lên xe rất vất vả. Thùng rác bị hỏng, bể đáy mất nắp, bị cháy do một số người đổ tro vàng mã…, mỗi khi mưa xuống, nước rác chảy ra lênh láng, bốc mùi hôi tanh.

Ở các tổ dân cư, kiệt nhỏ không đặt được thùng rác, chỉ có thể gom rác bằng xe ba gác. 6 giờ sáng là khoảng thời gian xe ba gác luồn lách qua các con hẻm rung chuông báo lấy rác. Tuy nhiên, không phải ai cũng đưa rác ra. “Có nhiều lần thấy cả bao rác to tướng phía trong cánh cổng khóa trái, ấn chuông, rung kẻng mãi không thấy chủ nhà ra. Lần sau đến thấy rác vứt bừa bãi phía ngoài cổng, bốc mùi, bà con lại than phiền rằng không làm hết trách nhiệm”, một công nhân đẩy xe ba gác lấy rác ở các tổ 17, 18, 19... Chơn Tâm, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu chia sẻ.

Tìm hướng khắc phục

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đỡ, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, cho biết công ty đã ghi nhận những ý kiến phản ánh của người dân trong các kỳ họp HĐND thành phố, đồng thời phê bình, kiểm điểm những công nhân, lái xe có sai phạm. Ông cho biết thêm, hiện công ty có khoảng 800 công nhân, những ngày bình thường họ luôn hoàn thành công việc. Tuy nhiên, vào những ngày lễ hay bão lũ, công ty phải thuê thêm nhân công để bảo đảm tiến độ. Việc nước nhễu xuống đường có 2 nguyên nhân chính: Một là do thùng rác bị mất nắp, chỉ cần một trận mưa, thùng rác ứ đọng đầy nước, hoặc do người dân đổ rác kèm theo nước. Hai là do hệ thống thùng tích nước rác trên xe không đủ đáp ứng, vì thể tích quá nhỏ so với lượng nước ép từ rác ra. Công ty đang tìm cách chế thêm thể tích thùng chứa và khắc phục việc nhễu nước trong quá trình vận chuyển. Công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong việc hạn chế mùi hôi khi vận chuyển qua các tuyến phố. Ông Đỡ cho biết đang thực hiện đề án thu gom rác theo thời gian (hoạt động từ 15 giờ đến 22 giờ đêm); cho in số điện thoại đường dây nóng trên thùng rác để người dân tiện liên hệ trong trường hợp hư hỏng hoặc mất thùng rác. Ông nhấn mạnh: “Để thành phố xanh-sạch-đẹp, không chỉ đội ngũ công nhân môi trường thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Hơn hết, cần có sự chung tay của cộng đồng, nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường ngay những thế hệ đang ngồi trên ghế nhà trường”.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng có 60 xe rác chuyên dụng, hơn 300 xe ba gác thu rác, với khoảng 800 công nhân đảm nhiệm việc thu gom, ép rác, trung chuyển rác đến nơi xử lý. Bãi rác Khánh Sơn với diện tích trên 48 ha, mỗi ngày thu nhận và xử lý khoảng 700 tấn rác các loại.

Bài và ảnh: NGUYỄN TIẾN
 

;
.
.
.
.
.