.

Đấu nối xử lý nước thải KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng

.

Sau khi tiếp nhận quản lý và vận hành Trạm Xử lý nước thải tập trung (gọi tắt là trạm XLNT) KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng từ Công ty TNHH Quốc Việt, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải (TN&XLNT) Đà Nẵng đã tiến hành các biện pháp cải tạo một số hạng mục, đồng thời với việc hoàn tất đấu nối từ các doanh nghiệp (DN). Đến nay, Trạm XLNT đã vận hành ổn định, mùi hôi giảm  đáng kể.

Công nhân Công ty TNHH Bắc Đẩu đang vận hành hệ thống XLNT.
Công nhân Công ty TNHH Bắc Đẩu đang vận hành hệ thống XLNT.

Hoàn tất đấu nối

Sở TN&MT cho biết, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng có 16 DN đang hoạt động, hầu hết đều có hệ thống XLNT riêng và 100% DN đã đấu nối vào Trạm XLNT. Để Trạm XLNT hoạt động ổn định, Sở TN&MT đã yêu cầu tất cả các DN phục hồi hệ thống XLNT để xử lý nước thải sơ bộ nhằm giảm nồng độ các chất ô nhiễm trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải chung của Trạm XLNT, trong đó, yêu cầu nồng độ COD trong nước thải sau khi xử lý của DN bảo đảm dưới 1.500 mg/lít. Trước yêu cầu đó, các DN đã thực hiện nâng cấp, xây dựng mới hệ thống XLNT.

Báo cáo của Công ty TN&XLNT Đà Nẵng, từ tháng 4-2012 đến nay, công ty đã thu gom và xử lý khoảng 545.012m3 với lưu lượng trung bình khoảng 2.595m3/ngày đêm nước thải thủy sản. COD đầu vào đạt 1.225-6.720 mg/lít; COD đầu ra đạt 53-460 mg/lít, hiệu suất xử lý đạt 93 - 95%.

Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các DN đã nâng cấp và đang sử dụng hệ thống XLNT có sẵn của mình. Riêng Công ty TNHH Bắc Đẩu và Công ty TNHH Hải Thanh đầu tư xây dựng mới 2 hệ thống XLNT sơ bộ (mức đầu tư 1 hệ thống XLNT khoảng 2 tỷ đồng) với công suất khoảng 500m3/ngày đêm. Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước đang sử dụng hệ thống XLNT cũ nhưng hệ thống xử lý vẫn chưa đạt hiệu quả nên công ty cho biết đầu năm sau sẽ xây dựng 1 hệ thống XLNT mới với công suất dự kiến 2.000m3/ngày đêm. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu, cho biết: “Trước đây, khi Công ty TNHH Môi trường Quốc Việt đang quản lý, chúng tôi chỉ việc trả tiền XLNT theo đồng hồ mà không thực hiện bất cứ một công đoạn xử lý nào trước khi đưa vào hệ thống XLNT chung. Nhưng nay, khi có chủ trương của thành phố, từ tháng 7-2012, chúng tôi đã cho tháo dỡ một phần nhà xưởng để xây dựng hệ thống XLNT riêng cho DN mình. Sau gần 1 tháng đi vào hoạt động, chất lượng nước thải khi về trạm XLNT, nồng độ COD đầu ra đã đạt 1.500 mg/lít như quy định”.

Qua quan sát tại Trạm XLNT Thọ Quang, tất cả hệ thống XLNT của các DN được đấu nối vào Trạm XLNT, sau khi vào bể điều hòa, nước thải tiếp tục được đưa qua bể kỵ khí vào bể hiếu khí, qua bể lắng tách lọc rồi mới cho thải ra môi trường. Ông Đặng Đức Vũ, Phó Giám đốc Công ty TN&XLNT Đà Nẵng, Trạm trưởng Trạm XLNT, cho biết: “Sau khi tiếp nhận quản lý và vận hành Trạm XLNT từ Công ty TNHH Quốc Việt, công ty đã thực hiện các bước như cải tạo bể điều hòa, hệ thống cung cấp khí cho bể aerotank, hệ thống xử lý mùi hôi, hệ thống cung cấp điện, trồng cây xanh vùng đệm, thay mới một số đồng hồ đo lưu lượng bị hỏng và lắp đặt bộ đồng hồ đếm giờ… Đến nay, Trạm XLNT đã đi vào vận hành ổn định, mùi hôi đã giảm đáng kể, không còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân sống xung quanh”.

Cần có biện pháp lâu dài

Sở TN&MT Đà Nẵng cũng cho biết, hiện KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng có 16/16 cơ sở; KCN Hòa Khánh có 85/87 cơ sở; KCN Liên Chiểu có 17/17 cơ sở; KCN Hòa Cầm có 39/42 cơ sở; KCN Hòa Khánh mở rộng và CCN Thanh Vinh mở rộng có 6/6 cơ sở đã đấu nối nước thải vào Trạm XLNT tập trung.

Tuy việc đấu nối đã hoàn tất, các DN cũng đã ý thức được việc xử lý nước thải sơ bộ trước khi đưa vào hệ thống thu gom chung, song do công suất xử lý của Trạm XLNT chỉ đạt 2.000m3/ngày đêm, trong khi mức nước thải trung bình của các DN thải ra khoảng 3.000m³/ngày đêm, có lúc cao điểm lên đến khoảng 4.000m³/ngày đêm. Vì vậy, Trạm XLNT rơi vào tình trạng quá tải thường xuyên, buộc phải bơm qua Trạm XLNT sinh hoạt Sơn Trà để giảm áp lực. Ngoài ra, theo ông Vũ: “Chúng tôi đã tiến hành thu phí XLNT đối với các DN với các mức giá 6.000 đồng, 12.000 đồng và 18.000 đồng/m3 tùy theo hàm lượng COD chứa trong hệ thống nước thải của các DN thải ra cao hay thấp, tương ứng là dưới 1.500 mg/lít, 1.500-dưới 3.000 mg/lít và  trên 3.000 mg/lít. Đó cũng là cách nhằm gây sức ép kinh tế, buộc các DN phải thực hiện đúng việc xả nước thải có nồng độ COD thấp để giảm tải cho Trạm XLNT”.

 Song đây chỉ là biện pháp tạm thời, còn lâu dài, các ngành chức năng cần nghiên cứu để có phương án xử lý triệt để, tránh gây quá tải và ô nhiễm môi trường. Về vấn đề này, theo Chi cục Bảo vệ môi trường, thành phố đã có chủ trương trong năm 2013 đầu tư xây dựng trạm XLNT mới ở vị trí gần Trạm XLNT sinh hoạt Sơn Trà với công suất 10.000m³/ngày đêm. Nếu trạm xử lý mới này đi vào hoạt động, sẽ chấm dứt được những hạn chế trên. Trong lúc chờ trạm XLNT mới đi vào hoạt động, các DN cần tiếp tục vận hành trạm XLNT cũ, có sự điều tiết hợp lý để tránh tạo ra tình trạng quá tải cho Trạm XLNT. Ngoài ra, Trạm XLNT cần tăng cường thiết bị như máy phát điện dự phòng, máy sục khí, thay thế bạt phủ tai bể kỵ khí để giảm thiểu mùi hôi…

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.