(ĐNĐT)- Quy trình “hút – xả” chất thải đen của các xe hút hầm cầu diễn ra chóng mặt, chỉ trong vài giờ đồng hồ là có thể kiếm được vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu đồng. Nhưng điều đáng nói, không ít xe hành nghề này không phải bỏ ra một đồng nào cho việc xử lý môi trường. Trong khi đó, việc quản lý loại hình dịch vụ này dường như còn bị bỏ ngỏ.
Loạn giá
Dịch vụ hút hầm cầu đang trở thành nghề hái ra tiền, nên những năm gần đây, loại hình này phát triển rầm rộ. Các xe hút hầm cầu tranh nhau dán quảng cáo rao vặt số điện thoại lên các cột điện, lên tường, trên các con đường, hẻm nhỏ khắp nơi trên địa bàn thành phố.
Theo các “ông chủ” làm dịch vụ hút hầm cầu, chỉ cần đầu tư trên dưới trăm triệu đồng mua một chiếc xe tải hạng nhẹ và gắn thêm chiếc bồn là có thể kiếm tiền một cách dễ dàng.
Anh Nguyễn Văn Sinh (quê Quảng Nam), hiện đang làm dịch vụ hút hầm cầu ở quận Liên Chiểu, cho hay: “Mấy anh em tụi tui ra Đà Nẵng làm công nhân vài năm mà thu nhập chẳng đủ sống. Được người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đường, mách lối làm ăn nên hùn vốn mua xe tải và đầu tư một vài thứ phục vụ cho nghề hút hầm cầu. Năm đầu chưa có khách, thu nhập cũng bấp bênh, nhưng hai năm trở lại đây thu nhập từ nghề này cũng tạm ổn. Trung bình mỗi tháng, mỗi người kiếm được 5-7 triệu đồng”.
Chỉ cần đầu tư trên dưới 100 triệu đồng là có thể dễ đàng kiếm tiền từ dịch vụ hút hầm cầu (Ảnh: Trọng Hùng) |
Qua tìm hiểu các nhà dân, mỗi lần thuê xe hút hầm cầu tốn từ từ 600.000 - 700.000 đồng/lần hút, thậm chí có vụ mất cả bạc triệu thuê xe hút hầm cầu đến “xử lý” hút chất thải.
Cách đây chừng một tháng, chị Vân, chủ quán nhậu trên địa bàn quận Liên Chiểu, phải “cắn răng” móc hầu bao hơn một triệu đồng để trả cho dịch vụ hút hầm cầu. Chị Vân cho biết, thấy hố ga bị tắc nên tiện có số điện thoại của dịch vụ hút hầm cầu dán bên cột điện, chị đã gọi cho dịch vụ này đến xử lý. Sau khi mặc cả giá, chủ xe yêu cầu 300.000 đồng/khối, thế nhưng chỉ sau nửa giờ làm việc, chủ xe yêu cầu chị thanh toán hơn một triệu đồng. Chị Vân thắc mắc thì được chủ xe giải thích, lượng chất thải hút từ hầm cầu ra hết hơn 3 khối.
Còn bà Trần Thị Sâm (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho biết, mỗi lần thấy hố ga bị tắc là bà gọi điện thoại cho xe của Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng, chứ không dám gọi cho xe của dịch vụ tư nhân. Bà Sâm cho hay, nhà có hai hầm cầu, một lớn và một nhỏ. Mỗi lần hút là hai bên thỏa thuận giá cả bằng miệng chứ không có hóa đơn, giấy tờ gì.
Mới đây, ngày 25-10, bà gọi đến hút cả hai hầm với giá 1.300.000 đồng (hầm lớn 700.000 ngàn, hầm nhỏ 600.000 ngàn). Khi chúng tôi hỏi tại sao bà không gọi xe tư nhân đến hút cho tiện? Bà Sâm chép miệng, xe tư nhân lấy giá trời ơi lắm!.
Không dễ bắt xe bồn đổ trộm chất thải
Ông Hà Văn Thái, Giám đốc Xí nghiệp quản lý bãi và xử lý chất thải bãi rác Khánh Sơn cho biết, theo quy định, mỗi xe đăng ký đổ chất thải tại bãi rác Khánh Sơn chỉ phải trả phí xử lý chất thải 2 triệu đồng/tháng, thế nhưng hiện bãi rác Khánh Sơn mới chỉ có 14 xe đăng ký đổ chất thải; trong đó đầu xe của Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng là 4 xe, số xe còn lại của tư nhân.
Theo nhận định của ông Thái, hiện trên địa bàn thành phố chí ít cũng phải có tới vài chục xe làm dịch vụ hút hầm cầu, nhưng không hiểu sao số xe đăng ký đổ chất thải vào bãi rác lại quá ít. Nói như ông Thái, không biết các xe không đăng ký đổ chất thải vào bãi rác Khánh Sơn sẽ đổ chất thải đi đâu?
Về vấn đề này, ông Thái cho rằng, nếu những xe không đăng ký đổ ở bãi rác, chắc chắn họ sẽ xả “chui” chất thải ra môi trường bên ngoài.
Ông Nguyễn Phước Nhàn, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng: Những số điện thoại rao vặt về dịch vụ hút hầm cầu, khoan cắt bê tông… dán ở các nơi công cộng thì phía Thanh tra Sở sẽ có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông có hướng xử lý. Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các nhà mạng cắt vĩnh viễn 17 số điện thoại quảng cáo, rao vặt sai quy định. Trong đó có 1 số của Viettel, 2 số của Vinaphone và 14 số của Mobifone. Hiện Sở cũng đang tiếp tục đề xuất ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với 113 số điện thoại quảng cảo rao vặt sai quy định (đa phần nội dung các quảng cáo đó là về khoan cắt bê-tông, hút hầm cầu, lắp đặt Internet, gia sư dạy kèm...) |
Để “vạch mặt” các xe không đăng ký đổ chất thải vào bãi rác sẽ đổ chất thải đi đâu, chúng tôi đã nhiều ngày theo dấu vết những xe hút hầm cầu không đăng ký đổ chất thải vào bãi rác, nhưng quả thật rất khó để phát hiện những chiếc xe này đổ trộm chất thải ra môi trường.
Ngày 25-9, chúng tôi phát hiện xe hút hầm cầu mang BKS 43C-02… vốn không có trong danh sách của 14 xe hút hầm cầu đăng ký đổ nước thải tại bãi rác Khánh Sơn nên bám theo. Chiếc xe chạy từ đường Ông Ích Khiêm, vòng qua đường Nguyễn Văn Linh, tạt qua đường Nguyễn Tri Phương và điểm dừng cuối cùng là trước nhà số 467 Hải Phòng để bắt đầu “nhiệm vụ” lúc 13 giờ chiều 25-9. Sau đó, chiếc xe rời địa điểm và chạy lên hướng bãi rác Khánh Sơn và đổ lúc 13 giờ 48 phút. Đến 14 giờ 2 phút thì xe chạy từ trong bãi rác ra và lao vun vút xuống hướng trung tâm thành phố.
Còn nhớ, cách đây gần 3 năm, hàng chục người dân ở tổ 89 phường Hòa Minh (Liên Chiểu) đã phải mật phục rất nhiều ngày mới bắt được quả tang một xe đang xả chất thải hút từ hầm cầu xuống cống dọc đường Nguyễn Sinh Sắc, đó là xe tải bồn BKS 54Y-5750, do Phạm Văn Mạnh, hộ khẩu thường trú ở thôn Đức Thành, xã Hoàng Cát, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tạm trú tại 68 đường Bắc Sơn thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ điều khiển.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều xe làm dịch vụ hút hầm cầu (Ảnh: Trọng Hùng) |
Về vấn đề này, trung tá Lê Bá Công, Đội trưởng Tham mưu Tổng hợp, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (PC49) Công an TP.Đà Nẵng khẳng định, hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các xe hút, vận chuyển phân hầm cầu có nghi ngờ đổ bậy đang gặp nhiều khó khăn. Lực lượng Cảnh sát môi trường cũng đã nhiều lần theo dõi và bắt được một số vụ nhưng do các xe này thường hoạt động ngoài giờ, lực lượng trinh sát mỏng, thời gian theo dõi các đối tượng này phải rất lâu và rất khó khăn nên khó kiểm soát được hết.
Hiện nay, bên cạnh một số xe của Công ty Môi trường Đô thị, còn có hơn chục đầu xe hút hầm cầu của tư nhân. Đối với các xe đã đăng ký đổ chất thải vào bãi rác Khánh Sơn thì không có vấn đề gì, tuy nhiên đối với những xe hoạt động tự do sau khi hút hầm cầu xong, họ lại chở di bán cho một số hộ có trang trại nuôi cá, ốc…để kiếm lời. Một số xe không đổ vào nơi quy định, hoặc không bán được thì sẽ tìm cách đổ lén ra ngoài môi trường.
Để quản lý hiệu quả dịch vụ này, tránh tình trạng xả bậy chất ra bên ngoài, gây ô nhiêm môi trường, ông Thái cho rằng, đối với các xe tư nhân cần phải có giấy phép kinh doanh, ngoài ra phải đăng ký đổ chất thải vào bãi rác Khánh Sơn thì mới được hoạt động. Bên cạnh đó, thành phố cần phải có quy định cụ thể về khung giá dịch vụ hút hầm cầu nhằm tránh tình trạng loạn giá như hiện nay, gây thiệt thòi cho người dân.
Trọng Hùng – Đắc Mạnh