.

Cấm đào đường từ 5 giờ đến 22 giờ hàng ngày

(ĐNĐT) - Cấm đào đường trong thời gian từ 5 giờ đến 22 giờ hàng ngày. Chậm nhất sau 7 ngày kể từ khi thi công lắp đặt cấu kiện công trình dưới mặt đường, đơn vị được cấp giấy phép thi công phải hoàn trả nguyên trạng mặt bằng. Trường hợp đặc biệt vượt quá 7 ngày phải được sự chấp thuận của cơ quan cấp phép.

Đây là yêu cầu nêu ra trong Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND do UBND thành phố ban hành ngày 25-1 quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng .

Cũng theo Quyết định này, UBND thành phố quy định, thời gian thi công lắp đặt công trình ngầm và hoàn trả nguyên trạng mặt bằng đối với chiều dài đoạn thi công từ 500m trở xuống không quá 30 ngày; đối với chiều dài đoạn thi công trên 500m tính theo thời gian tại hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công công trình được duyệt.

UBND thành phố nghiêm cấm thi công để đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới công trình ngầm của các ngành có liên quan trên các tuyến đường đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho đến khi thực hiện đầu tư đại tu đường bộ.

Đồng thời, UBND thành phố sẽ không cấp giấy phép để thi công các công trình trong một số ngày lễ, Tết hàng năm như: Lễ kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam và ngày Quốc tế Lao động, kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9; Tết Dương lịch; Tết Nguyên đán; Giỗ tổ Hùng Vương. Trường hợp đang thi công dở dang thì phải hoàn trả tạm mặt bằng trước các ngày lễ, Tết nêu trên.

Để đảm bảo thông thoáng đường phố và mỹ quan đô thị, trong thời gian thi công hoặc ngừng thi công, UBND thành phố yêu cầu đơn vị thi công không được tập kết vật tư, thiết bị, xe máy thi công tại công trường (nếu chưa thực sự cần dùng đến). Nghiêm cấm việc tập kết vật tư, thiết bị, vật liệu xây dựng tại những đoạn chưa thi công. Không để vật liệu rời như cát, đá, xi măng, gạch... rơi vãi trên mặt đường gây nguy hiểm hoặc cản trở giao thông. Phải dự trù vật liệu đủ sử dụng theo tiến độ thi công, thi công đến đâu thì tập kết vật tư đến đó; trường hợp vật liệu không dùng hết thì phải vận chuyển đi nơi khác ngay (không được để lại qua đêm).

Trong suốt quá trình thi công công trình, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải bố trí người hướng dẫn giao thông, lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn, đèn báo hiệu về ban đêm… theo đúng quy định và chịu hoàn toàn trách nhiệm về quản lý, xử lý sự cố trên đường trong phạm vi công trình. Những công nhân tham gia thi công trên đường phải mặc áo bảo hộ lao động, ban đêm áo phải có dán giấy phản quang.

Phương tiện vận tải để tập kết vật tư, vật liệu xây dựng và vận chuyển đất đào ra khỏi công trường phải sạch sẽ, phải được rửa sạch bánh xe và phương tiện khi ra khỏi công trường. Trường hợp để vật tư trôi, làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, đơn vị thi công đào đường phải tổ chức nạo vét, trả lại nguyên trạng ban đầu và thông báo trước cho đơn vị quản lý hệ thống thoát nước theo phân cấp để kiểm tra, theo dõi.

Nghiêm cấm việc để các loại vật liệu lỏng như nhựa đường, bê tông… chảy hoặc văng ra mặt đường gây trơn trượt, mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Cấm đốt, nấu nhựa trên mặt đường, lề đường và vỉa hè trong nội thành, nội thị và trên các tuyến đường ngoại thành nhưng có hộ dân cư ngụ, buôn bán hai bên đường.

Nếu tổ chức, cá nhân thi công tái phạm thì cơ quan quản lý đường bộ và Thanh tra Sở GTVT có quyền đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép thi công và trong thời gian 24 giờ phải báo cáo về cơ quan cấp giấy phép thi công để xem xét giải quyết. Tổ chức, cá nhân thi công tự chịu trách nhiệm về việc chậm trễ và mọi phí tổn do bị ngừng thi công.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Dân Hùng

;
.
.
.
.
.