.

Bảo tồn “Sơn đảo” của Đà Nẵng

.

Để bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học cao của Việt Nam và thế giới, trong thời gian qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm duy trì tính nguyên vẹn của hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của các loài động - thực vật tại bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là voọc chà vá chân đỏ - loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm trên thế giới.

Nét độc đáo của du lịch Sơn Trà trong tương lai không phải chỉ là cơ sở hạ tầng du lịch mà chính là hơn 300 con voọc chà vá chân đỏ độc nhất vô nhị của thế giới mà nơi đây còn sở hữu.
Nét độc đáo của du lịch Sơn Trà trong tương lai không phải chỉ là cơ sở hạ tầng du lịch mà chính là hơn 300 con voọc chà vá chân đỏ độc nhất vô nhị của thế giới mà nơi đây còn sở hữu.

Không như các loài linh trưởng khác, voọc chà vá chân đỏ chỉ có thể di chuyển bằng cách chuyền cành, do đó những con đường rộng từ 7 - 8 mét phục vụ mục đích tham quan, du lịch hiện nay đã và đang chia nhỏ khu vực sinh sống, thậm chí cắt đứt nguồn lương thực (phần lớn là lá cây, hoa quả) của một số gia đình voọc.

Xuất phát từ thực tế này, cuối năm 2011, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định cho xây dựng cầu cây xanh cho voọc qua lại trên các con đường mới tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Theo ông Ulrike Streicher, chuyên gia Dự án nghiên cứu bảo tồn động vật, các cầu cây xanh đã góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu tác động của sự chia cắt do đường sá, khu nghỉ dưỡng… dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của loài voọc chà vá chân đỏ. Những khoảnh rừng giữa các con đường có nhiều cây xanh là nguồn thức ăn quyết định, là không gian sinh tồn đặc biệt quan trọng để loài voọc chà vá tồn tại và sinh trưởng lâu dài trong tương lai. Ông Streicher bày tỏ mong muốn, lãnh đạo thành phố sẽ tiến hành trồng thật nhiều cây xanh trong khu vực của cầu cây xanh, phát triển thảm thực vật hai bên đường để không chỉ khôi phục lại vẻ đẹp của tuyến đường ven biển mà còn tạo nguồn thức ăn dồi dào cho loài voọc chà vá chân đỏ. Bên cạnh đó, chính quyền Đà Nẵng nên xây dựng thêm nhiều cầu cây xanh tại các khu vực khác, nơi mà những con đường mới đã và đang phá hủy sinh cảnh rừng. Một khi môi trường sống tự nhiên dọc theo con đường đã được phục hồi thì các loài động vật sẽ đến gần đường hơn, tạo thuận lợi cho du khách quan sát, ông Larry khẳng định.

Bà Larry Ulidarri, chuyên gia Dự án nghiên cứu bảo tồn động vật - người có 15 năm sống, làm việc tại Việt Nam và 4 năm nghiên cứu về loài voọc chà vá chân đỏ ở Đà Nẵng, chia sẻ cảm giác vui mừng bởi: “Việc thành phố cho xây dựng các cầu cây xanh là minh chứng rõ ràng cho thấy Đà Nẵng luôn muốn duy trì giá trị tự nhiên, tính nguyên vẹn của hệ sinh thái cho các loài động vật cũng như tạo cơ hội để du khách có thể thưởng ngoạn hết vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình của bán đảo Sơn Trà”.

Với mục tiêu bảo tồn “Sơn đảo” của Đà Nẵng, UBND thành phố còn phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể mặt bằng bán đảo Sơn Trà bao gồm các nguyên tắc xây dựng và thiết kế tổng thể, làm cơ sở cho việc ra quyết định, hoạch định các chính sách cũng như việc xây dựng những dự án tương lai trên bán đảo. “Theo đó, những dự án phát triển du lịch có thể sẽ được phép tiến hành nhưng bắt buộc phải tuân theo những chỉ dẫn nghiêm ngặt, phải hòa lẫn vào bên trong cảnh quan tự nhiên và nằm ở những nơi có tác hại trực quan nhỏ nhất đến môi trường thiên nhiên. Điều này sẽ giúp tạo ra sự bảo đảm chắc chắn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ sau”, ông Phan Xuân Tiệp, Phó trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng khẳng định.

Cũng theo ông Tiệp, trong thời gian đến, việc xây dựng các con đường du lịch sẽ được lên kế hoạch thiết kế cẩn thận hoặc cải thiện những con đường cũ, men theo địa hình sẵn có, tránh đào lấp trên diện rộng, được phối cảnh kỹ càng để chúng có thể hòa lẫn vào không gian xanh của Sơn Trà cũng như bảo đảm cho việc chuyền cành, tìm thức ăn của loài voọc chà vá chân đỏ.

Làm du lịch, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế là điều rất cần thiết, nhất là đối với một nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, du lịch vẫn phải gắn với bảo tồn thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học cao của bán đảo Sơn Trà là hướng đi duy nhất cho sự phát triển bền vững của Đà Nẵng trong tương lai. Đây là điều mà bà Ulidarri nhắn gửi đến chính quyền và nhân dân thành phố với mong muốn, Đà Nẵng sẽ không để mất đi những giá trị vô giá mà mình đang nắm giữ. Có lẽ điều làm nên sự độc đáo của du lịch Sơn Trà trong tương lai không phải chỉ là kết cấu hạ tầng du lịch mà chính là hơn 300 con voọc chà vá chân đỏ độc nhất vô nhị của thế giới mà chỉ có riêng nơi đây còn sở hữu.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.