Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 09/2012/TT-BXD Quy định sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong các công trình xây dựng. Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình.
Năm 2013, các công trình cao tầng khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung. |
Để thực hiện chủ trương trên, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phổ biến đến các cơ quan, đơn vị liên quan và khảo sát tình hình sản xuất VLXKN trên địa bàn. Việc sử dụng VLXKN được thực hiện tại các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50%.
Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho biết, theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các hoạt động đầu tư xây dựng công trình bao gồm các cơ quan quản lý Nhà nước về chuyên ngành xây dựng, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu tư vấn thẩm tra, nhà thầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải triển khai thực hiện các nội dung về sử dụng VLXKN. VLXKN gồm có: gạch xi-măng - cốt liệu; vật liệu nhẹ (gạch từ bê-tông khí chưng áp, gạch từ bê-tông khí không chưng áp, gạch từ bê-tông bọt, tấm panel từ bê-tông khí chưng áp); tấm tường thạch cao, tấm 3D; gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong), VLXKN từ đất đồi và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát...
Cũng theo ông Phạm Việt Hùng, thành phố Đà Nẵng khuyến khích sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt số tầng. Đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm đưa vào thiết kế các loại VLXKN phù hợp với từng loại kết cấu và tuân thủ theo tỷ lệ trong tổng số vật liệu xây theo quy định và giám sát việc sử dụng VLXKN theo đúng quy định của thiết kế đã được phê duyệt. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về việc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.
Triển khai sử dụng VLXKN thực sự là mong muốn từ lâu của ngành Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam bởi việc này làm tăng khả năng ứng dụng vật liệu mới - công nghệ mới vào công trình. Đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp VLXD phát triển và thực hiện các chủ trương về xóa các lò gạch thủ công, tiết kiệm nguồn tài nguyên để bảo vệ môi trường. Thời gian qua, trên các công trình xây dựng tại thành phố Đà Nẵng vẫn chủ yếu sử dụng vật liệu nung. Một số ít công trình có sử dụng VLXKN như dự án Vĩnh Trung Plaza và mới đây là công trình nhà ở xã hội Blue-house, song cũng chỉ dừng lại ở việc sử dụng tấm 3D. Các chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng công trình cho rằng, do VLXKN chưa tạo ra một sản phẩm hàng hóa phong phú nên chưa đưa vào các công trình.
Ông Phạm Việt Hùng cũng cho biết, việc triển khai sử dụng VLXKN rất khó khăn bởi nguồn cung VLXKN còn hạn chế. Mặt khác là thói quen sử dụng gạch tuynel và doanh nghiệp sản xuất VLXD thì gặp khó khăn về vốn để triển khai các dự án, đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất VLXKN. Hiện cũng chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hay ưu đãi đầu tư trong chuyển giao công nghệ sản xuất VLXKN. Do đó, Sở Xây dựng thành phố kiến nghị với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích phát triển và tạo điều kiện cho các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN và dự án sản xuất VLXKN.
Tại địa bàn Đà Nẵng, UBND thành phố cũng vừa có những hỗ trợ ban đầu đối với các dự án sản xuất VLXKN như chấp thuận dự án đầu tư, giao đất xây dựng nhà máy sản xuất. Về quy hoạch, thành phố quy hoạch địa bàn xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang để sản xuất VLXKN. Hiện có 2 dự án chuẩn bị triển khai đầu tư với diện tích quy hoạch sản xuất 5 ha/dự án. Theo đó, Công ty CP Thương mại – Dịch vụ Toàn Vinh Hoa đầu tư sản xuất gạch không nung và bê-tông siêu nhẹ; Công ty CP Trung Hậu sản xuất gạch không nung. Đây là các dự án đầu tư đón đầu cho việc triển khai sử dụng VLXKN trong xây dựng tại thành phố.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG