Mấy năm gần đây, quận Liên Chiểu liên tục xảy ra cháy rừng. Chỉ tính riêng năm 2012, trong số 16 vụ cháy xảy ra trên lâm phận thành phố, thiệt hại 180 ha rừng, ở Liên Chiểu 10 vụ, thiêu rụi hơn 100 ha. Làm gì để rừng không bị cháy đang là câu hỏi đặt ra cho Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương này?
Lực lượng vũ trang tham gia chữa cháy rừng tại Nam Hải Vân. |
Rừng ở Liên Chiểu không nhiều, chỉ 3.200 ha, trong đó ở Nam Hải Vân 2.540 ha và cũng chỉ có 400 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Đây là khu vực nguy cơ xảy ra cháy rất cao, bởi hoạt động du lịch sinh thái tại rừng khá phát triển; hàng chục hộ dân sinh sống, làm ăn trên vùng rừng và nhiều cơ quan, đơn vị đứng chân cận rừng; người dân mưu sinh từ rừng khá phổ biến; tình trạng thắp hương, đốt vàng mã tại các am thờ dọc đường đèo Hải Vân diễn ra khá phức tạp; rừng nhiều lau lách, cây bụi, lớp thực bì lá thông khô khá dày…
Với quyết tâm không để rừng bị cháy, vừa chớm mùa khô, Hạt Kiểm lâm và chính quyền các cấp ở quận Liên Chiểu đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng quận có 17 thành viên do 1 Phó Chủ tịch UBND quận làm trưởng ban đã kiện toàn, đi vào hoạt động. Đội phản ứng nhanh PCCCR gồm 10 thành viên, 3 tổ đội quần chúng tham gia quản lý bảo vệ rừng với 45 người đã thành lập. 80 hộ dân và cơ quan, đơn vị sinh sống, làm ăn, đóng quân trong và cận rừng đã ký cam kết thực hiện triệt để quy định về PCCCR. 5 bể chứa nước đáp ứng yêu cầu chữa cháy đã xây mới và nâng cấp.
Nói về giải pháp PCCCR năm nay, ông Phan Thế Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu cho biết: Hai yếu tố có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả PCCCR là ngăn chặn triệt để tình trạng tùy tiện xử lý thực bì rừng trồng sau khai thác và nâng cao chất lượng tuần tra cảnh giới của lực lượng chuyên trách. Hiện tại, cả hai khâu trọng yếu này, Hạt đã phối hợp với địa phương triển khai đến từng tổ dân phố, từng bộ phận. Bài học rút ra từ cháy rừng nhiều năm qua cho thấy, phần lớn vụ cháy rừng trên địa bàn đều do xử lý thực bì gây nên. Do vậy, năm nay, lĩnh vực này sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Hộ có nhu cầu đốt xử lý thực bì phải có đơn gửi chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm, khi cho phép mới được triển khai. Quá trình đốt xử lý thực bì, phải có lực lượng canh trực và giám sát của kiểm lâm địa bàn. Việc tuần tra, cảnh giới, cơ quan phân công từng bộ phận, từng người chịu trách nhiệm từng khu vực cụ thể. Bộ phận, cá nhân nào, do lơ là trong tuần tra, cảnh giới để xảy ra cháy rừng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Lãnh đạo Hạt thay nhau kiểm tra, nhất là giai đoạn cao điểm của mùa nắng nóng.
Tuy vậy, vẫn còn đó khá nhiều hạn chế, nguy cơ xảy ra cháy chưa được loại trừ. Cả khu rừng rộng lớn, địa hình phức tạp, thế nhưng đến nay đường vận động chữa cháy, đường ranh cản lửa vẫn chưa thiết lập. Hơn 400ha rừng thông Caribe, nguồn tài nguyên quý, lớp thực bì lá khô khá dày, nguy cơ cháy rất cao chưa có phương án PCCCR riêng. Việc điều tra xác định đối tượng gây cháy rừng triển khai chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến không có tính răn đe và giải pháp phòng ngừa thích hợp. Mỗi khi xảy ra cháy, việc điều hành tổ chức chữa cháy còn lúng túng, bị động. Lực lượng tại chỗ chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, thậm chí, quá nhiều người còn thờ ơ khi rừng bị cháy, nếu có tham gia cũng không thực sự nỗ lực xông pha chữa cháy mà thường chờ đợi lực lượng chi viện…
Thành lập 8 tổ, đội xung kích phòng cháy rừng Chi cục Kiểm lâm thành phố vừa phối hợp các địa phương có rừng thành lập 8 tổ, đội xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) với 125 thành viên nhằm đáp ứng yêu cầu PCCCR mùa khô năm 2013. Các tổ, đội này được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và thực hiện tuần tra cảnh giới PCCCR, dưới sự chỉ đạo của cơ quan kiểm lâm. Khi xảy ra cháy rừng, các tổ, đội này là lực lượng nòng cốt có mặt sớm nhất tại hiện trường, triển khai chữa cháy kịp thời và hiệu quả. Chi cục cũng đã thành lập 47 tổ, đội quần chúng quản lý bảo vệ rừng với 435 người; ký cam kết thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ và PCCCR với 870 hộ gia đình, 50 cơ quan, đơn vị sinh sống, làm ăn, đóng quân tại vùng rừng và cận rừng. N.C |
Bài và ảnh: HOÀI NAM