.

Ô nhiễm hồ điều tiết

.

Hồ điều tiết rộng 2ha ở phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), được bao quanh bởi khu dân cư (KDC) số 1 thuộc các tổ từ 19-28. Gần 10 năm qua, hồ này bị ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống của người dân xung quanh. Bao quanh hồ là các đường Bàu Trảng 6, 4, 3 có bề ngang 3,75m, 5,5m, thường xuyên bị xe quá tải xâm hại, gây hư hỏng đường sá và ách tắc giao thông.

Hồ nước đen

Người dân ở KDC số 1 phường Thanh Khê Tây không gọi là hồ điều tiết mà gọi là hồ nước đen. “Suốt 5-6 năm nay, chúng tôi liên tục kiến nghị với các cơ quan chức năng, nhưng không có thông tin phản hồi nào. Nước hồ đen ngòm, hôi thối, rác nổi lềnh bềnh, cá chết trắng bụng, cả xác chuột chết, súc vật chết cũng tràn xuống hồ. Đây là khu vực người dân thường xuyên tập thể dục buổi sáng và chiều, trẻ em thường ra quanh hồ vui chơi. Tình trạng ô nhiễm này lẽ ra cơ quan chức năng thành phố phải sớm có giải pháp khắc phục”, ông Dương Cả, Bí thư chi bộ 2, KDC số 1, phường Thanh Khê Tây cho hay.

Được biết, nước khu vực sân bay đổ về hồ điều tiết, từ đây thoát ra kênh Phú Lộc, đổ ra biển. Bên cạnh đó, hồ còn gom nước khu vực dân cư bao quanh mỗi khi có nước mưa đổ về.

Ông Huỳnh Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây, cho biết UBND phường thường xuyên tổ chức ra quân các ngày thứ bảy, chủ nhật tổng dọn vệ sinh khu vực quanh hồ. Tuy nhiên, do địa hình quanh hồ phức tạp, khối lượng rác thải quá lớn nên lực lượng của phường không thể thu gom, xử lý triệt để. “Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với Xí nghiệp Đường sắt, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận cùng tìm hướng giải quyết, khắc phục tình trạng ô nhiễm trong lòng hồ và quanh khu vực”.

Đường gánh xe tải hàng chục tấn

Sáng 25-2, chúng tôi chứng kiến hai xe tải trọng lớn, một xe chất đầy sắt dạng phôi, xe còn lại phủ kín bạt nối đuôi nhau, đậu sát lấn hết 2/3 đường Bàu Trảng 6. Mặc dù các đường dẫn vào KDC số 1 (Bàu Trảng 2, 1, 5) đều có bảng cấm xe tải, nhưng không hiểu sao các ô-tô tải trọng lớn vẫn đi vào đường cấm để vận chuyển hàng hóa.

xe.jpg
Xe tải trọng lớn đậu hết phần đường, xoạc cả chân cẩu không chỉ gây cản trở giao thông mà còn tàn phá đường, vỉa hè.

Tình trạng trên thường xuyên diễn ra không chỉ gây ách tắc giao thông mà còn làm hư hỏng đường, cống, nắp cống thoát nước, vỉa hè trong KDC. “Tại ngã ba giao với đường Điện Biên Phủ dẫn vào nhà hàng Hai Trí, do xe tải trọng lớn vào ra, đậu đỗ liên tục, hiện bề mặt của đường (phía dưới là lòng cống dẫn nước từ khu vực sân bay đổ về hồ - PV) bị nứt thấy rõ; góc đường Bàu Trảng 6 nối Bàu Trảng 3 xuống cấp, vỉa hè bị cày nát”, ông Dương Văn Tự, tổ trưởng tổ dân phố 20 cho biết.

Còn ông Dương Cả bức xúc: “Ngành Giao thông vận tải đã cắm biển cấm, đường trong KDC ở đây chỉ rộng 5,5m, nhưng xe tải lớn hàng chục tấn vẫn ra vào. Họ còn hạ chân cẩu và chiếm hết phần đường, thậm chí lên cả vỉa hè để cẩu các xe máy thiết bị công trình hư hỏng xuống bãi tháo dỡ, lấy đâu ra đường nữa mà đi lại!”.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, cho biết về nguyên tắc Thanh tra giao thông kiểm tra, kiểm soát và xử lý tất cả các tình huống vi phạm bảng cấm trên toàn thành phố, nhưng về phân cấp, Thanh tra sở chỉ quản lý các tuyến đường trên 7,5m, còn lại thuộc về trách nhiệm các quận, huyện. Đối với các trường hợp vi phạm cụ thể ở KDC số 1 (phường Thanh Khê Tây), nếu người dân có thông tin phản ánh, Thanh tra sở sẽ bố trí lực lượng đến hiện trường xử lý vi phạm đi vào đường cấm, đậu đỗ sai quy định. Tuy nhiên, Thanh tra sở không thể đủ lực lượng túc trực thường xuyên. Về lâu dài rất khó để xử lý triệt để nếu không có sự can thiệp của chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép cho đơn vị kinh doanh liên quan đến xe tải trọng lớn vào giao, nhận hàng.

Trao đổi với đại diện Đội CSGT và Đội Cảnh sát trật tự (CSTT) Công an quận Thanh Khê về trách nhiệm xử lý các trường hợp xe tải trọng lớn đi vào đường cấm KDC số 1 phường Thanh Khê Tây, Đội CSGT cho biết đã chuyển chức năng xử lý, xử phạt các tình huống trên sang cho CSTT. Mặc dù vậy, Đội CSTT cho rằng, trách nhiệm cơ bản thuộc về CSGT, CSTT chủ yếu làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự xã hội, phản ứng nhanh 113, nên việc xử lý vi phạm vào đường cấm chỉ là thứ yếu (?!)

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đều thừa nhận việc xe tải trọng lớn đi vào đường cấm là vi phạm quy định và sẽ cử người kiểm tra, giám sát sau khi có thông tin từ cơ quan thông tin đại chúng. Nhưng khi được hỏi vì sao tình trạng trên diễn ra suốt nhiều năm qua mà chưa có cơ quan nào xử lý, cùng phối hợp để tìm giải pháp xóa bỏ vi phạm, nhiều cơ quan nói rằng, chưa thấy thông tin người dân phản ánh để cử người giải quyết (?!).

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.