.

Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường phù hợp

Trong khuôn khổ hoạt động của dự án Phát triển đô thị Đà Nẵng thân thiện với môi trường và khí hậu (dự án ECUD), ngày 8-3, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố tổ chức hội thảo góp ý báo cáo “Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí trên địa bàn thành phố” nhằm hoàn thiện báo cáo trình UBND thành phố.

Theo đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố Môi trường”, nhiệm vụ đặt ra của thành phố trong giai đoạn năm 2011-2015 phải quy hoạch và đầu tư các trạm quan trắc môi trường để có cơ sở đánh giá chất lượng môi trường đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, hiện nay, chương trình quan trắc môi trường tổng hợp hằng năm của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ngày càng đòi hỏi ở mức độ cao, trong đó các thành phần môi trường không khí và môi trường nước chưa được kiểm soát liên tục.

Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra 3 phương pháp quan trắc: quan trắc tự động liên tục (24/24 giờ); quan trắc thụ động (liên tục 1 tuần/đợt hoặc 10 ngày/đợt hoặc tháng/đợt); quan trắc thủ công (theo giờ, 8 giờ, 24 giờ)... Qua đó, theo dõi được diễn biến chất lượng môi trường, làm cơ sở để dự báo, giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái môi trường; cung cấp dữ liệu phục vụ nghiên cứu quy hoạch đô thị, giao thông và sử dụng đất của thành phố Đà Nẵng. Các chuyên gia cũng cho rằng, để tiến hành quan trắc hiệu quả cần xây dựng các tiêu chí đặc biệt nhằm lựa chọn thiết bị quan trắc (công nghệ) và các nhà cung cấp sau khi đưa ra các quyết định cơ bản về chiến lược quan trắc môi trường nước và không khí. Ngoài thiết bị quan trắc phù hợp, cần có các phần mềm phù hợp để xử lý khối lượng dữ liệu lớn về lựa chọn công nghệ quan trắc.

ĐAN TÂM
 

;
.
.
.
.
.