.

Chi 1 tỷ đồng đắp đập tạm chặn sông Quảng Huế

.

(ĐNĐT) - Ngày 13-4, theo tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam, Bộ NN&PTNT đã đồng ý với phương án đắp đập tạm bằng rọ đá và bao cát chặn sông Quảng Huế để đưa nước sông Vu Gia chảy thẳng về sông Ái Nghĩa, sông Yên phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng.

Thuỷ điện Đăk Mi 4 chặn tiệt dòng sông Đăk Mi (sông chính ở thượng nguồn sông Vu Gia) và trả nước để phát điện về lại sông Thu Bồn khiến dòng sông Vu Gia mất đi trữ lượng nước đáng kể. Đã vậy, dòng chảy của sông Quảng Huế (có bề rộng trung bình 150m) oái oăm thay lại chảy mạnh từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn.

Tuy thượng nguồn sông Vu Gia có mưa trong mấy ngày qua và dòng chảy khá xiết, nhưng nước về sông Yên không nhiều và đập dâng An Trạch vẫn phải đóng kín cửa để trữ nước.
Tuy thượng nguồn sông Vu Gia có mưa trong mấy ngày qua và dòng chảy khá xiết, nhưng nước về sông Yên không nhiều và đập dâng An Trạch vẫn phải đóng kín cửa để trữ nước.

Theo quan sát của chúng tôi vào sáng 13-4, dòng chảy trên sông Vu Gia tại đoạn cách cửa sông Quảng Huế 2km về phía thượng nguồn và sông Quảng Huế qua cầu Quảng Huế khá mạnh do trong mấy ngày gần đây khu vực thượng nguồn và hạ nguồn đang có mưa. Nhưng dòng chảy trên sông Ái Nghĩa qua cầu Ái Nghĩa và cầu Hoà Đông (lân cận Nhà máy nước Đại Lộc) lại khá yếu do trữ lượng nước rất lớn từ sông Vu Gia đã chảy về sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế. Còn mực nước trên sông Yên tại đập dâng An Trạch vẫn duy trì cao trình 2m nhờ tất cả cửa đập đều đóng kín từ rất lâu.

Tại cuộc họp giữa Tổng cục Thủy lợi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam với đại diện thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vào ngày 31-3, do phía Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4 vẫn cương quyết không xả nước về lại sông Vu Gia, các bên liên quan đã thống nhất biện pháp chặn dòng Quảng Huế bằng đập bao cát và rọ đá để ngăn dòng chảy từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn, phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng và sản xuất nông nghiệp hạ du.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, được sự thống nhất của Bộ NN&PTNT, đập này do phía Quảng Nam thiết kế, thi công với kinh phí gần 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chống hạn năm 2013. “Đây chỉ là đập tạm, sẽ tiến hành thi công ngay trong tuần tới, bởi cả TP Đà Nẵng và một số xã thuộc huyện Điện Bàn, Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam đang căng thẳng về nước sinh hoạt”, ông Quang cho biết.

Trước đó, vào ngày 9-4, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã gửi báo cáo số 47 kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT hỗ trợ 40 tỷ đồng để thực hiện các công trình chống hạn, chống nhiễm mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp năm 2013, trong đó có công trình đập tạm trên sông Quảng Huế nhằm hạn chế lưu lượng phân dòng từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn, bảo đảm nguồn nước tưới cho hơn 8.000ha lúa ở hạ du sông Vu Gia và cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho nhân dân TP Đà Nẵng.

Có thêm đập tạm này ngăn nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn, vào ngày 15-5 tới, khi Nhà máy thuỷ điện A Vương xả nước với lưu lượng 39m3/s liên tục trong 15 ngày, sẽ có trữ lượng nước lớn đổ về sông Ái Nghĩa và sông Yên, phục vụ sản xuất nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và đẩy mặn cho hạ du.

Tuy nhiên, đập tạm này chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa kiệt nước, vào mùa mưa lũ thì đập dễ dàng bị lũ “thổi bay” về sông Thu Bồn. Về lâu dài, không cách nào khác, Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4 cần phải trả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng phù hợp, bảo đảm nguồn nước để sản xuất nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vùng hạ du.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.